Tìm kiếm thi thể hành khách, mảnh vỡ máy bay Lion Air từ đống đổ nát sau vụ tai nạn |
Bầu trời châu Á ngày càng bận rộn với hàng loạt chuyến bay xuôi ngược nhờ sự bùng nổ của hàng không giá rẻ (gọi tắt tiếng Anh là LLC) và nền kinh tế khởi sắc. Tuy nhiên, vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) cuối tháng 10 vừa qua, đánh dấu vụ tai nạn máy bay thương mại nghiêm trọng đầu tiên tại Đông Nam Á trong gần 4 năm trở lại đây.
Hàng không châu Á bùng nổ mạnh mẽ
Thảm kịch liên quan đến Hãng Lion Air xảy ra hôm 29/10 khi máy bay Boeing 737 Max 8 gần như mới tinh vừa đưa vào phục vụ chở 189 người bị rơi xuống biển Java sau khi rời Thủ đô Jakarta tới Pangkal Pinang khoảng 13 phút.
Hiện tại, hoạt động tìm kiếm cứu nạn đang được xúc tiến, gần như toàn bộ hành khách, phi hành đoàn trên máy bay đều được cho là đã thiệt mạng. Vụ việc xảy ra vào đúng thời điểm thị trường vận tải hàng không châu Á đang mở rộng với tốc độ chóng mặt nhưng cũng đã đặt ra nhiều nỗi lo ngại về an toàn bay.
Bản thân Lion Air chính là minh chứng cho sự phát triển nhanh và rộng của ngành vận tải hàng không châu Á, đặc biệt là dịch vụ bay với giá rẻ. Lion Air do tư nhân đầu tư, là doanh nghiệp lớn nhất kiểu này ở Indonesia, được thành lập từ năm 1999, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000, dự kiến trở thành một trong những tập đoàn hàng không lớn nhất trong khu vực.
Năm 2011, họ gây bất ngờ trước thế giới khi đặt đơn hàng lớn mà Boeing chưa từng nhận được tính đến thời điểm đó với 230 máy bay trị giá 21,7 tỉ USD. Chưa dừng lại, năm 2013, Lion Air gây bất ngờ với đơn hàng 24 tỉ USD mua 234 máy bay A320 của nhà sản xuất máy bay Airbus.
Theo một phân tích từ Tạp chí Airfinance, tập đoàn này có đơn hàng máy bay lớn thứ 2 trong số các hãng bay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tính đến tháng 9 năm nay, với 369 phi cơ thương mại chờ được giao.
Cùng với đối thủ AirAsia của Malaysia, hãng giá rẻ này dẫn đầu xu hướng mở rộng thị trường hàng không tại Đông Nam Á trong vòng 1 thập kỷ qua, phục vụ tầng lớp trung lưu đang mở rộng và nhiều người trong số họ là những hành khách lần đầu tiên đi máy bay. Tính đến thời điểm hiện tại, LCC đảm nhiệm gần 60% trong tổng công suất phục vụ khách trong khu vực.
Mặt khác, theo Hội đồng Sân bay Quốc tế đại diện cho các sân bay trên toàn thế giới, tính đến năm 2040, phương thức vận tải này sẽ chứng kiến 20,9 tỉ lượt khách. Phần lớn số lượt khách đến từ Trung Quốc. Thị trường này dự kiến sẽ “soán ngôi” Mỹ, trở thành đất nước đứng đầu về tổng lượng khách hàng không.
Nguy cơ thiếu trầm trọng phi công, kỹ thuật viên
Nhiều chuyên gia như ông Geoffrey Thomas, nhà quan sát hàng không, đang quản lý trang Airlineratings.com - trang web đánh giá an toàn hàng không có trụ sở tại Australia cho biết: “Việc mở rộng hàng không quá nhanh có thể gây nhiều vấn đề nếu không được xử lý tốt. Vấn đề lớn nhất đó là tìm kiếm và đào tạo phi công, kỹ thuật viên hàng không.
Nhưng để làm được điều này, các hãng khai thác bay trong khu vực gặp khá nhiều áp lực, đặc biệt là với các hãng khai thác dịch vụ bay với chi phí rẻ nhằm thu hút người sử dụng bởi các hãng này thường trả lương thấp hơn các hãng cung cấp dịch vụ đầy đủ trong khi lượng nhân sự lại không đủ đáp ứng nhu cầu”.
Đồng quan điểm, ông Greg Waldron, biên tập viên ngành Hàng không châu Á, nhà cung cấp dữ liệu cho Flightglobal cho biết: “Thật không may, ngành này đã không còn hấp dẫn như cách đây 30 - 40 năm nên việc thu hút nhân tài cũng khó khăn”.
Trong khi đó, các hãng bay chưa chắc quản lý tốt chất lượng kỹ sư, phi công hiện có dù được đánh giá hoạt động an toàn.
Như vụ việc mới nhất liên quan đến phi công của Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản Japan Airlines, một cơ phó của hãng này mới bị bắt tại Anh vì phát hiện nồng độ cồn cao ngay trước khi chuyến bay do người này tham gia điều hành cất cánh.
Cơ phó 42 tuổi này đã vượt qua bài kiểm tra hơi thở của công ty nhưng lại bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép. Chính Japan Airlines thừa nhận, bài thử nghiệm nội bộ của hãng đã được thực hiện không đúng cách dẫn đến không phát hiện phi công say xỉn.
Lion Air từng có tiền sử không mấy sáng sủa về an toàn bay nhưng vài năm gần đây, hãng bắt đầu cải thiện tiêu chuẩn. Năm 2016, hãng đã được Cơ quan Hàng không châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm bay sau 9 năm.
Lion Air cũng vượt qua bài kiểm tra an toàn hoạt động của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào tháng 2/2017. Nhưng theo ông Harro Ranter, Giám đốc điều hành Hệ thống An toàn Hàng không, việc Lion Air được dỡ bỏ lệnh cấm bay không đồng nghĩa chất lượng phi công, kỹ thuật viên hàng không của hãng được cải thiện trong khi đây lại là yếu tố ảnh hưởng lớn tới an toàn hoạt động.
Để cải thiện tiêu chuẩn an toàn hàng không trong khu vực, ông Waldron nhấn mạnh, các công ty trong ngành phải tạo ra văn hóa vì sự an toàn. Song, ông cho rằng, đây là điều khá thử thách giữa bối cảnh các hãng bay không ngừng cạnh tranh nhau.
Ông Waldron cho biết: “Minh bạch là chìa khóa quan trọng nhất. Bất cứ vụ việc dù lớn hay nhỏ cần phải được báo cáo và công khai để cộng đồng có thể hiểu và rút kinh nghiệm từ đó nhằm cải thiện an toàn”. Ông Waldron lưu ý, một số nước trong khu vực châu Á vẫn bị hạn chế tiếp cận những thông tin như vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận