Lo sinh non vì mẹ sốt xuất huyết
Nhập viện điều trị sốt xuất huyết đã 3 ngày tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thai phụ Đ.T.H (30 tuổi, tại Ngọc Lâm, Long Biên) khuôn mặt vẫn đầy lo âu cho đứa con trong bụng gần đến ngày chào đời.
Chị H chia sẻ, ban đầu xuất hiện sốt, nhưng cũng chỉ nghĩ cảm sốt thông thường. Khi khám định kỳ thai sản, chị H được bác sĩ sản khoa chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu đang hạ, cần chuyển theo dõi tại đơn vị chuyên khoa truyền nhiễm.
"Khi cơn sốt xuất huyết dồn dập tới, cơ thể vô cùng mệt mỏi, tim thai đập nhanh, nước ối cạn, tôi lo lắng nghĩ đến khả năng mình sẽ sinh non. Tôi sợ sinh non vì đang giai đoạn tụt tiểu cầu, sinh bây giờ cả mẹ và con đều nguy hiểm", chị H bày tỏ.
Theo lời chị H, hiện chỉ số tiểu cầu của chị đang xuống 106g/l, nhưng bác sĩ nói giai đoạn này còn diễn biến hạ dần trong vài ngày tới. Do vậy, cần chú ý theo dõi những diễn biến bất thường như chảy máu chân răng, xuất huyết…
Trước những lo lắng của chị H cũng như nhiều sản phụ về việc "mẹ bầu sốt xuất huyết có ảnh hưởng tới thai nhi hay không", PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai chia sẻ: "Với phụ nữ mang thai, tùy từng tuổi, tuần thai mà bác sĩ có cách xử trí, theo dõi khác nhau khi mắc sốt xuất huyết. Đa số phụ nữ mang thai khi bị sốt xuất huyết không ảnh hưởng khả năng phát triển thai cũng như sợ sinh con bị dị dạng hay tai biến.
Tuy nhiên, cũng có lưu ý, nếu sản phụ sốt cao quá tháng đầu có thể dẫn tới việc sẩy thai. Còn ở tháng cuối, nếu chuyển dạ sinh sớm thì phải truyền tiểu cầu hoặc sản phụ dễ rối loạn đông máu trong đẻ. Trường hợp này cần theo dõi và điều trị tại cơ sở đa khoa có sản khoa sẽ hội chẩn thường xuyên, kịp thời".
Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương. Còn trên cả nước, ghi nhận khoảng 82.000 ca mắc, 23 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết diễn biến bất thường
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tới khám và điều trị tăng nhanh trong thời gian gần đây, với hàng trăm ca khám mỗi ngày. Hằng ngày, trung tâm tiếp nhận 15-20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo nhập viện, trong đó, 30% có biến chứng nặng nề.
BS Cường thông tin, năm nay sốt xuất huyết đến sớm hơn so với mọi năm và đang vào đỉnh dịch. Dự kiến, tháng 10-11 tới, số ca nhiễm còn tăng hơn nữa. Như vậy, việc 2 năm liên tiếp đều ghi nhận đợt dịch sốt xuất huyết lớn ở phía Bắc là điều bất thường.
Ông Cường cho cảnh báo, mặc dù sốt xuất huyết có 4 tuýp và đặc điểm virus của năm 2023 không khác gì mọi năm, đối tượng mắc sốt xuất huyết ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhưng đáng nói, đa số người khỏe mạnh bình thường mắc sốt xuất huyết lại có diễn biến rất nhanh.
"Các trường hợp tử vong đa số ở người trẻ do bệnh nhân đi khám tại một số cơ sở y tế nhưng có thể được cho về nhà điều trị ngoại trú nhưng không theo dõi sát sao. Khi đến viện đã muộn, bệnh diễn tiến nhanh, nặng và sốc sốt xuất huyết", BS Cường nói.
Tại đây, hiện đang tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ thanh niên đến người cao tuổi, trong đó có 2 cụ ông 93 và 81 tuổi đều trú tại Phúc Thọ, Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận