Showbiz

Mẹ bé Thiện Nhân: Tôi làm từ thiện vì sự mách bảo con tim

09/06/2016, 11:17

Theo chị Mai Anh, nếu mọi việc xuất phát từ con tim thì sẽ không tính đến giới hạn vĩ mô hay tự phát.

ta-bich-loan

Chương trình "60 phút mở" do nhà báo Tạ Bích Loan dẫn dắt đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong câu chuyện "Người ta làm từ thiện vì ai?".

Trong chương trình "60 phút mở" phát sóng trên Đài truyền hình Quốc gia với chủ đề “Người ta làm từ thiện là vì ai?” gây ra nhiều tranh luận tiêu cực trên mạng xã hội. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ chị Trần Mai Anh, một người làm việc thiện trong 10 năm qua với quỹ “Thiện Nhân và các bạn”, nghe chị kể lại về những hành trình thiện nguyện của mình. 

Dưới đây là quan điểm cá nhân của chị Trần Mai Anh, người điều hành quỹ từ thiện “Thiện Nhân và các bạn”:

Từ thiện là để cho và nhận

Tôi nghĩ rằng, từ thiện là vấn đề giữa cho và nhận, nhưng trên cả, đó là sự mách bảo của con tim.

Tôi muốn cho đi những kinh nghiệm chữa bệnh tôi đã có được trong suốt những năm đưa con trai Thiện Nhân đi các bệnh viện các nước. Tôi muốn cho đi các cơ hội phẫu thuật mà các bác sĩ từ Ý, từ Mỹ qua giúp các em bé Việt Nam… Và vì thế, tôi chỉ cho những gì tôi có được tới những ai cần đúng sự “cho đó”.

Mình đâu có thể cho người đang cần một điều khác, cái mà mình đang có hoặc đang thừa và bắt người ta phải nhận? Nên mình cần phải hiểu người khác có cần thứ mình đang muốn cho đi không. Nếu hiểu được thì phải có một sự quan tâm, rung cảm và một tình yêu nhất định.

Và nếu mọi việc xuất phát từ con tim, thì sẽ không tính đến giới hạn vĩ mô hay tự phát. Không từ con tim thì khỏi phải bàn tới việc thật hay giả.

Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu tôn trọng sự rung cảm thật sự của trái tim thì trái tim sẽ mách bảo được cho bất cứ ai, người cho hay người nhận, trao đi một điều đích thực tới một người nhận nó với cả niềm hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc này có thể từ một mẩu bánh mì khi đói, một manh áo khi lạnh… Lúc đó, mẩu bánh mì với manh áo cũng mang giá trị như một bữa tiệc và tấm chăn lông ngỗng.

Khi bắt đầu giúp các bé khác tôi đã nghĩ đến chắc chỉ có 1-2 bé bị bệnh như con mình, tôi cũng đã bắt đầu với con số 1-2 như thế. Số lượng bệnh nhân từ đó tăng dần lên con số 1.000. Tôi với các bạn của mình lại tiếp tục hành trình Thiện Nhân, với con số cứ lớn dần thêm đó.

Tôi đã làm theo sự mách bảo của con tim

Tôi nghĩ việc mời bác sĩ từ Mỹ, Ý sang Việt Nam khám tư vẫn miễn phí cho các bé trai, bé gái không may mắn bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, phẫu thuật giúp các con tìm cơ hội làm một người bình thường vì tôi là một người mẹ có con bị bệnh tương tự.

Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh tìm kiếm mọi bệnh viện, mọi thông tin y tế mong manh để tìm manh mối dù nhỏi nhoi, mong có cách giúp con trai Thiện Nhân của tôi được chữa trị.

Mẹ con tôi đã nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người, cả tại Việt Nam và nhiều nước. Là một người mẹ có con bị bệnh, tôi hiểu những người mẹ khác, những đứa con khác đang phải trải qua những khó khăn, đau khổ gì. Tôi đang chia sẻ lại những thông tin mẹ con tôi biết, những cơ hội mẹ con tôi đã có được. Tôi không thấy đây là một chương trình từ thiện, với tôi là một chương trình của sẻ chia.

Cũng có lúc tôi đứng giữa sự quyết định trách nhiệm cho mình, cho các con trai của mình và sống nốt cuộc đời khi bé Thiện Nhân đã được cứu chữa đầy đủ. Nhưng nếu dừng lại ở đấy, chúng tôi có cơ hội có một cuộc sống bình thường và bình an.

Tôi đã hỏi bé Thiện Nhân: “Bây giờ việc chữa bệnh của con đã ổn ổn rồi, con có thể dừng lại để sống và học như biết bao các bạn nhỏ khác. Hoặc con tham gia cùng mẹ tiếp tục con đường gian nan này, để tìm kiếm cơ hội giúp các bạn không may mắn như con trước đây. Con có quyền chọn lựa và quyết định nào của con mẹ cũng ủng hộ”. Và bé Thiện Nhân đã chọn cách đồng hành cùng mẹ, khi cháu mới 6 tuổi.

Nên mỗi khi mệt mỏi, khó khăn, tôi cũng có lúc tự hỏi mình là: Vì sao mình lại vẫn tiếp tục? Câu trả lời hợp với tôi nhất đó là: Tôi đã làm theo sự mách bảo của con tim.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.