Đặt cô con gái ba tuổi ngồi bên cạnh, chị Ekawati (42 tuổi) lại tiếp tục công việc trên chiếc xe ba bánh, băng qua những con đường đông đúc xe cộ ở thủ đô Jakarta (Indonesia).
Sau khi người chồng đầu tiên qua đời, chị Ekawati đã kết hôn với một người đàn ông khác nhưng hôn nhân tan vỡ, buộc chị ra đi cùng bốn người con.
Dù mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 150.000 rupiah (tương đương hơn 200.000 đồng), thế nhưng chiếc xe chính là “cần câu cơm” duy nhất của chị suốt 15 năm qua, giúp chị trả tiền thuê nhà và nuôi các con.
“Tôi đã thử nhiều công việc khác nhau nhưng lái xe ba bánh là việc làm thuận tiện và dễ dàng giúp tôi kiếm tiền”, chị Ekawati cho biết.
Con trai lớn của chị năm nay 20 tuổi, hiện đã phải gác lại sự nghiệp học hành để đi làm nhân viên giao hàng kiếm sống đỡ đần cả nhà. Dù vậy chị cho biết, cả gia đình vẫn phải sống chật vật. Ngoài khoản tiền thuê nhà hơn 800.000 rupiah mỗi tháng, chi phí nuôi các con đã chiếm hết toàn bộ số tiền chị Ekawati kiếm được.
“Tôi phải lái chiếc xe ba bánh này để kiếm miếng ăn, quần áo và chỗ ở cho các con của tôi”, chị nói trong nước mắt.
Chị cho biết những người phụ nữ như chị phải hết sức chật vật để tồn tại trên đường phố dù đây là nơi đầy rẫy nạn quấy rối tình dục và cướp giật, tống tiền diễn.
“Có lần một hành khách yêu cầu tôi ngủ với anh ta, anh ta sẽ trả tôi 500.000 rupiah. Tôi lập tức đuổi anh ta xuống xe”, chị Ekawati nói. “Là phụ nữ, tôi không muốn yếu đuối. Tôi phải thật mạnh mẽ vì không ai có thể giúp đỡ tôi ngoại trừ chính bản thân mình”.
Mới đây, đứa con thứ hai của chị Ekawati đã qua đời vì bạo bệnh. Bất chấp những cay nghiệt trong cuộc sống, chị vẫn ưu tiên việc học hành giáo dục cho các con. Với sự giúp đỡ của chính quyền, một con của chị đã được đi học ở một trường tiểu học, trong khi chị đang xoay xở để cho một người con khác được học tại trường cấp hai.
“Tôi cầu mong ông trời ban cho tôi sức khỏe tốt. Tôi cũng mong các con tôi được thành đạt, không như tôi”, chị nghẹn ngào chia sẻ.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia vào năm 2022, 12,72% hộ gia đình Indonesia có phụ nữ là trụ cột kiếm sống của gia đình, chủ yếu ở khu vực thành thị.
Đồng thời, nhiều phụ nữ Indonesia đã chuyển sang làm việc phi chính thức trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp để hỗ trợ gia đình sau khi triển vọng việc làm chính thức giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận