Xã hội

Mẹ già nuôi con liệt 16 năm vì TNGT

29/05/2015, 06:42

Sau một vụ TNGT, anh Bách trở thành “phế nhân”, phải sống với những cơn đau triền miên trên chiếc giường 16 năm qua.

19

Bà Thìn đang chăm sóc những vết thương của con

Đếm thời gian trên giường bệnh

Trong một ngày cuối tháng 5, dưới cái nắng chang chang, chúng tôi ghé thăm anh Phạm Danh Bách (37 tuổi, trú tại số 120/43 Y Wang, tổ 3, khối 4, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - người thanh niên may mắn thoát chết trong một vụ TNGT. Tuy nhiên, đằng sau sự may mắn ấy là cả một nỗi đau kéo dài vô tận. Anh trở thành một “phế nhân”, sống trong những cơn đau dai dẳng suốt đời.

Thấy người lạ đến thăm, anh Bách nhỏm đầu dậy, gấp cuốn sách đang đọc dở trước mặt, mời khách ngồi. Trên chiếc giường sắt cũ kỹ, lót chiếc chiếu cói kê ở góc nhà, nhìn cơ thể không còn bình thường của anh chúng tôi không khỏi xót xa. Thân hình èo uột chỉ còn nửa phần trên, từ rốn trở xuống đã “chết” hoàn toàn. Đôi chân được nẹp bằng những thanh sắt, bắt đầy ốc vít đã teo tóp, khô khốc, trông như khúc củi, da bong tróc xù xì, lúc nào cũng phải giăng mùng để tránh côn trùng bu bám. Bộ phận tiểu tiện và đại tiện được nối ống dẫn đưa ra ngoài.

Nhớ lại ngày “tai ương” ập xuống, anh Bách kể: “Thoắt ấy đã 16 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là ngày đầu năm 1999, tôi đi bộ đội về rồi theo mẹ xuống TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chưa có công ty nào gọi. Lúc này, tôi xin làm tạm trong Công ty mỹ nghệ của Hàn Quốc. Vào một chiều chủ nhật, bạn bè làm chung rủ nhau đi đá bóng. Lúc ra về, tôi và mọi người đang đi trên vỉa hè thì bất ngờ có hai thanh niên đi trên xe máy lao ra từ con hẻm, húc thẳng vào tôi từ phía sau. Cú húc mạnh khiến tôi văng ra đường, cùng lúc này, một chiếc xe tang (xe chở quan tài) trờ tới cuốn tôi vào gầm, và rồi tôi không còn biết gì nữa”.

Kể từ đó, từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Bách phải lên bàn mổ hết lần này đến lần khác để giành giật lại sự sống. Bao nhiêu của cải gia đình tích góp được đều ra đi theo cơn bệnh của anh. Trong nhà thứ gì đáng giá đều mang đi bán để lấy tiền chữa trị. Người thân vất vả ngược xuôi vay mượn, cầm cố sổ đỏ nhà ở để có tiền phẫu thuật, giữ mạng sống cho anh.

“Suốt gần một năm ròng rã nằm điều trị, chuyển hết viện này đến viện khác, tôi chết đi sống lại mấy lần. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, số tiền phẫu thuật và thuốc men lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng chỉ cứu được nửa thân trên. Lúc này, trong nhà không còn tài sản gì đáng giá nữa, gia đình đành ngậm ngùi đưa tôi về. Tôi còn nhìn thấy mặt trời, quả là một điều kỳ diệu và may mắn”, anh Bách tâm sự.

Mẹ già tất tả làm thuê nuôi con

Từ ngày ra viện đến nay đã 16 năm, anh Bách cứ nằm bất động một chỗ, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều do một tay người mẹ già chăm sóc. Mỗi khi trái gió, trở trời, những phần thịt hoại tử rỉ máu, mủ khiến anh đau đớn, kêu la thảm thiết. Nhìn đứa con rên xiết khóc lóc vì đau, bà Phạm Thị Thìn chỉ còn biết ngồi xuống bên con, hai mẹ con cùng khóc, không nói nên lời...

Ở tuổi 61, nhưng khuôn mặt bà Thìn già nua trông thấy, mái tóc đã nhuộm trắng, nghẹn lời: “Nghe tin con bị tai nạn, tôi như sét đánh ngang tai. Nhìn con nằm cấp cứu trên giường bệnh mà lòng tôi đau thắt. Gia cảnh nghèo khổ, tôi chỉ lo được cho con qua cơn nguy kịch, chứ không cứu được cơ thể lành lặn. Nhiều lúc tính bán căn nhà để chữa trị cho con nhưng không biết bán rồi ở đâu. 16 năm qua, ngày nào tôi cũng phải lo mọi việc từ giặt giũ, vệ sinh... cũng chỉ mong nó sống được ngày nào hay ngày đó”.

Kể từ ngày con nằm bất động trên chiếc giường, bà Thìn phải thức khuya dậy sớm chăm sóc, vệ sinh... Lo cho con xong, bà lặng lẽ đạp xe đến xưởng nhang để làm kiếm tiền. Mỗi ngày, bà Thìn được trả từ 80-90 nghìn đồng nhưng số tiền công ít ỏi cũng không thấm vào đâu. Hiện bà đã bước sang cái tuổi gần đất xa trời, mắt mờ, chân chậm nhưng nỗi đau vẫn không thôi đeo đẳng.

“Khi thằng Bách đang đau đớn, quằn quại trên giường thì bố nó đã bỏ gia đình ra đi. Từ đó, đôi vai tôi thêm nặng trĩu. Không lâu sau đó, người con trai đầu bị tai biến rồi qua đời, bỏ lại hai đứa cháu tội nghiệp”, bà Thìn rưng rưng nước mắt.

Ông Lưu Bá Nhiệm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Ea Tam cho hay, hoàn cảnh của bà Thìn rất trớ trêu. Chồng bỏ đi, một mình bà nuôi bốn người con, gia đình không có đất đai để canh tác. Gia đình bà Thìn thuộc diện khó khăn, hộ nghèo hơn 5 năm nay. Hiện bà đi làm công cho một xưởng nhang (hương) để kiếm tiền trang trải, nuôi đứa con bị TNGT nằm liệt giường suốt 16 năm qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.