Chất lượng sống

Mệt mỏi vì ngày nào cũng phải hít khói thuốc lá thụ động

18/10/2018, 07:05

Mặc dù nhận thức khói thuốc lá vô cùng độc hại nhưng nhiều người vẫn đang hàng ngày phải hút thuốc lá thụ động...

10

Hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân làm tăng 20 -30% nguy cơ ung thư phổi - Ảnh: Khánh Linh

Cả ngày phải hút thuốc lá thụ động

Ngày 15/10, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Thùy Linh hiện đang làm cho công ty bất động sản trên đường Lê Văn Lương bộc bạch, chị biết rõ tác hại của khói thuốc lá nên thường tránh người hút thuốc. Nhưng do đặc thù công việc thường xuyên phải đi giao tiếp gặp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau khó tránh được khói thuốc.

Chị Linh kể, có lần chị đi gặp khách hàng. Sau đó, chỉ vì chị có thái độ khi khách hút thuốc nên họ cũng tự ái và chuyển sang mua nhà của người khác. Hay khi trực trên văn phòng nhiều đồng nghiệp vẫn “vô ý” hút thuốc lá dù phía ngoài có khu vực dành cho người hút thuốc. Đến tối về nhà chị Linh tưởng được an yên thì lại gặp ngay bố chồng hút thuốc lào, dù tầng trên, tầng dưới nhưng nhiều lúc vẫn “gặp” hơi thuốc.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trung bình mỗi năm có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong số đó, có 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.

Chị Linh rất lo lắng vì ngày nào cũng bị thuốc lá, thuốc lào tấn công mà không có cách gì để tránh. “Mình đọc rất nhiều về thuốc lá nên càng thấy nhiều tác hại lại càng lo sợ, không hiểu sao Nhà nước không cấm sản xuất thuốc lá để cuộc sống được trong lành hơn”, chị Linh kiến nghị.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nga ở Hà Đông chia sẻ, chị đang mang thai nên nhiều đồng nghiệp cũng tránh không hút trong phòng làm việc. Tuy nhiên, hễ cứ đi ra hành lang lại bắt gặp khói thuốc khiến chị rất khó chịu. “Nhiều khi nghĩ khả năng miễn dịch của người lớn chắc gì đã chống chọi được với mùi thuốc lá huống hồ là thai nhi. Không biết em bé của mình hít phải thế này có nguy hiểm nhiều không. Mình rất lo lắng và bất lực không biết làm sao để được tận hưởng cuộc sống không khói thuốc lá”, chị Nga bức xúc.

Bà Vũ Thị Phương chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Tuân cho biết, cửa hàng có quy định không hút thuốc lá. Tuy vậy, nhiều lần bà vẫn chứng kiến khách hàng “phì phèo” hút thuốc. “Cửa hàng chúng tôi yêu cầu nhân viên nhắc nhở khách hàng nhưng một số khách vẫn hút. Do “khách hàng là thượng đế”, mình làm kinh doanh giờ ép khách không hút thì không khác nào đuổi khách. Chúng tôi chỉ dán đề nghị “không hút thuốc” để khách hạn chế hơn phần nào. Nhà hàng cũng mong khách vào quán không hút thuốc vì khói thuốc cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chúng tôi”, bà Phương cho biết.

Cách bảo vệ khỏi khói thuốc thụ động

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Y tế dự phòng và các chương trình y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết, khói thuốc chứa khoảng 4.000 chất hóa học. Một trong số đó được biết đến là chất gây ung thư và liên quan tới hàng loạt các bệnh khác như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và bệnh tim. Mặc dù nhận thức được điều này nhưng rất nhiều người vẫn tiếp tục hút thuốc, rất khó để bảo vệ nhiều người khỏi sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động do thói quen chết người này.

Theo BS. Khánh, hút thuốc lá thụ động chính là hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, trong đó bao gồm khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân làm tăng 20-30% nguy cơ ung thư phổi. Theo một thống kê của Cục Bảo vệ môi trường California tại Mỹ ước tính hút thuốc thụ động gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi; từ 22.700 - 69.700 ca tử vong vì bệnh tim/năm.

BS. Khánh cũng cho biết, các chất độc hại trong khói thuốc thường làm cơ thể mất rất nhiều vitamin và khoáng chất như: Vitamin A, B, C, E,… kẽm, selen, crôm. Vì vậy, nếu hàng ngày phải tiếp xúc với khói thuốc, người hút thụ động nên có chế độ ăn giàu vitamin như: Sữa bò, cà rốt, bí ngô, giá đỗ, rau mầm, hoa quả... giúp bổ sung lượng vitamin đã mất. Đồng thời, tăng cường khả năng hóa giải các độc tố cho cơ thể. Khi thiếu vitamin A, phổi, khí quản, dạ dày không tiết đủ dịch khiến các niêm mạc dễ bị tổn thương.

“Vì thế, các thực phẩm giàu vitamin A và beta-caroten rất quan trọng đối với người hay phải sinh hoạt trong môi trường có khói thuốc. Hút thuốc và khói thuốc làm tích tụ cholesterol và chất béo trong máu, vì vậy trong bữa ăn, nên ăn nhiều các loại cá, chế phẩm từ đậu nành, hoa quả, rau xanh… Vitamin C cũng giúp bạn rất nhiều trong quá trình tăng cường sức khỏe. Người hay tiếp xúc với khói thuốc nên ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C như: Ổi, cam, quýt, chanh, bưởi…Nếu môi trường sống và làm việc có quá nhiều khói thuốc lá, hãy cố gắng sắp xếp để cơ thể được nghỉ ngơi thêm và hưởng không khí trong lành ít nhất vài giờ đồng hồ bằng cách đi dạo công viên, hồ nước…”, BS. Khánh nói

Theo BS. Khánh, thiền định và nghe nhạc cổ điển cũng giúp cơ thể phục hồi lại các tổn thương trong não bộ. Trường hợp người hút thụ động đang mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn, viêm xoang và đặc biệt là đang mang thai hoặc có trẻ sơ sinh thì việc yêu cầu người xung quanh tìm nơi khác để hút thuốc sẽ rất cần thiết để tránh các rắc rối về sức khỏe sau này. Khói thuốc có thể tăng nguy cơ bị sảy thai, thai chậm phát triển, sinh non, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ bị viêm tai giữa, hen suyễn… ở trẻ em.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.