Niềm vui ở công trường
Mỏ cát thứ bảy thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò có diện tích 36,77ha được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cho Công ty TNHH XDCT và Thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Công ty TNHH XDCT và Thương mại Hoàng Anh (cán bộ quản lý) cho biết, tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt tại mỏ cát này là hơn 1,3 triệu m3. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác trên 1,1 triệu m3.
Công suất khai thác 885.614m3/năm, thác thấp nhất đến mức âm 17m và phương pháp khai thác theo hình thức lộ thiên. Thời gian hoạt động của dự án là hai năm, trong đó thời gian khai thác là 18 tháng.
Hiện tại, Công ty TNHH XDCT và Thương mại Hoàng Anh đang phối hợp với Công ty CP LPT bố trí hai xáng cạp với 12 công nhân trực tiếp làm việc tại mỏ cát để khai thác thời gian bắt đầu từ 7-17h cùng ngày, không khai thác vào ban đêm.
Theo quy định và để đảm bảo yếu tố tác động môi trường, công ty chỉ sử dụng các xáng cạp có dung tích gàu 3,5m3. Như vậy, trung bình mỗi ngày, phía công ty cùng đơn vị thi công khai thác cát sẽ đưa về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 2.460 m3 cát, tuơng đương 73.801m3 cát/tháng.
"Đây là mỏ cát cuối cùng trong bảy mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trực tiếp khai thác. Do vậy, chúng tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi khi múc gàu cát đầu tiên đưa lên sà lan.
Để có thể bắt đầu khai thác mỏ cát này vào những ngày giáp tết Nguyên đán, phía Công ty TNHH XDCT và Thương mại Hoàng Anh cùng các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Tháp đã rất quyết tâm và nỗ lực với mong muốn sớm có cát về công trường thi công cao tốc", anh Tuấn cho biết thêm.
Cần nâng công suất
Anh Nguyễn Văn Tuấn thông tin thêm, công ty được giao thi công 10km cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với tổng số lượng cát đắp nền cần cho dự án là 1,5 triệu m3.
Hiện tại, dưới công trường đã có 60.000m3 cát đắp nền đường. Do vậy, với mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao đã đáp ứng được trữ lượng thi công theo quy định.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay mà nhà thầu thi công chưa thể tăng tốc được do cát đắp nền đường được cấp về công trường chậm hơn 6 tháng so với quy định.
Như vậy, để có thể đắp bù số lượng, mỗi ngày công trường cần 7.500m3 cát. Thế nhưng, với số lượng mỏ cát đang khai thác mới chỉ đáp ứng được gần 33%.
"Phía công ty cũng mong muốn được tăng số lượng khai thác để sớm có cát về công trường. Do vậy, đơn vị rất muốn được sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan trong việc nâng trữ lượng khai thác theo quy định.
Đồng thời, phía Công ty TNHH XDCT và Thương mại Hoàng Anh cũng sẽ phối hợp với các đơn vị khai thác và vận chuyển là Công ty CP LPT để có thể thi công xuyên Tết", anh Tuấn thông tin thêm.
Anh Đặng Hoà Hiệp, Phó giám đốc Công ty CP LPT cho biết: "Chúng tôi đã quán triệt tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm với công nhân được giao nhiệm vụ điều khiển cần khai thác cát tại mỏ. Tất cả phải được thực hiện theo đúng quy định".
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp cấp 7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đến thời điểm này, với bảy mỏ cát được tỉnh này cấp theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu thi công cao tốc trục dọc ở miền Tây trực tiếp khai thác, cộng với việc tăng 50% công suất trong năm 2023 là 977.500m3 đã đảm bảo đủ số lượng theo quy định.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.
Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận