Tài chính

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: "Mở cửa kinh tế phải bắt đầu từ đi lại"

24/09/2021, 06:34

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách nhưng vẫn khá thận trọng khi đề ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong việc đi lại, vận chuyển hàng.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, một số địa phương chỉ thấy lợi ích riêng của địa phương mình, mà chưa thấy hết lợi ích chung của quốc gia.

img

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Phong tỏa cứng sẽ là “con dao hai lưỡi”

Sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm, nhiều địa phương hiện đã điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về việc mở cửa trở lại vào thời điểm này?

Tôi cho rằng, việc mở cửa trở lại vào thời gian này là hoàn toàn hợp lý. Trước hết, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm.

Thứ hai, quan trọng hơn, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine đã tăng lên. Ở một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội… tỷ lệ người dân được tiêm một mũi vaccine đã đạt được tỷ lệ rất cao - tương ứng trên dưới 90% và 75%.

Thứ ba, đã có những chuyển đổi trong nhận thức liên quan đến chiến lược phòng chống dịch. Chúng ta đang chuyển dần từ mô hình phòng chống dịch nhằm đạt tới trạng thái “zero Covid” sang mô hình phòng chống dịch nhằm “sống chung an toàn với Covid”.

Thứ tư, đòi hỏi khách quan phải mở cửa để cứu vãn nền kinh tế. Phong tỏa cứng để phòng chống dịch là một giải pháp mạnh để hạn chế sự lây lan.

Tuy nhiên, đây là “con dao hai lưỡi”. Nếu phong tỏa trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn, thì nền kinh tế có thể chịu đựng được. Nhưng nếu phong tỏa rộng và trong thời gian dài, thì nền kinh tế sẽ đổ vỡ; an sinh xã hội sẽ trở thành một vấn đề rất lớn.

Với nền kinh tế mở như hiện nay, mở cửa không thể chỉ bó hẹp trong giới hạn địa giới hành chính 1 quận, huyện, thậm chí 1 tỉnh, thành phố. Vậy theo ông, có phải muốn mở cửa kinh tế thì phải bắt đầu bằng mở cửa đi lại không?

Nền kinh tế của đất nước là một thể thống nhất. Hoa quả có thể được sản xuất ở Nam bộ nhưng phải vận chuyển lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Giao thông chính là mạch máu của nền kinh tế. Chính vì vậy, muốn mở cửa nền kinh tế, thì phải bắt đầu bằng việc mở cửa chuyện đi lại.

Nếu giao thông bị ách tắc, chắc chắn các chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu sẽ bị đứt gãy; hoạt động kinh tế sẽ bị ngưng trệ.

Hơn thế nữa, tôi cho rằng trong bất cứ trường hợp nào cũng phải bảo đảm giao thông thông suốt chứ không chỉ khi mở cửa nền kinh tế.

Bởi vì rằng, thiếu giao thông thì không thể cung ứng kịp thời vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, không thể cung ứng kịp thời hàng trăm, hàng ngàn loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân. Mà như vậy, thì chúng ta có thể phòng chống dịch theo kiểu gì đây.

Đường quốc lộ không thể áp dụng luật lệ địa phương

img

Dù đã nới lỏng giãn cách nhưng Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào thành phố để thực hiện kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch (Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại chốt trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Ảnh: Tạ Hải

Hiện nhiều tỉnh, thành vẫn lập chốt, đưa ra các quy định riêng cho người và phương tiện từ các tỉnh khác vào, thậm chí kể cả người đến từ “vùng xanh” cũng không ngoại lệ. Theo ông, vì sao có thực trạng này và nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thời gian qua, có thực tế như tỉnh này thì yêu cầu xét nghiệm nhanh, tỉnh kia thì yêu cầu xét nghiệm PCR, có tỉnh yêu cầu giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày, có tỉnh lại yêu cầu 2 ngày, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm 3 lần mới được vào địa bàn…

Đây quả thực đang là một vấn đề rất lớn của đất nước ta hiện nay. Phân cấp, phân quyền mạnh có ưu điểm là tạo ra sự chủ động cho các địa phương trong việc ứng phó với dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây nên tình trạng tùy tiện và cát cứ.

Một số địa phương chỉ thấy lợi ích riêng của địa phương mình, mà chưa thấy hết lợi ích chung của quốc gia.

Ngoài ra, do phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để dịch bệnh bùng phát, nên người đứng đầu địa phương thường tìm mọi cách để giữ cho địa bàn của mình “thật sạch”.

Rủi ro lớn nhất ở đây là: Để dịch bệnh bùng phát ở địa phương thì rõ trách nhiệm, nhưng để nền kinh tế của đất nước bị đổ vỡ thì lại chẳng sao.

Vậy có nên có một quy định chung để thống nhất trên toàn quốc về đi lại?

Theo tôi, cho dù phân cấp, phân quyền nhiều đến đâu thì một vài nguyên tắc liên quan đến giao thông cũng phải được làm rõ.

Nguyên tắc thứ nhất, đường quốc lộ là đường của quốc gia. Trên những con đường này luật lệ là của Trung ương; luật lệ của địa phương không thể có hiệu lực.

Nói cách khác, cho dù đường quốc lộ có chạy qua bất cứ địa phương nào, thì địa phương đó cũng không thể có thẩm quyền ngăn cản giao thông và áp đặt các luật lệ của mình.

Cũng tương tự như vậy, tỉnh lộ, thì huyện không có quyền; huyện lộ thì xã không có quyền. Nếu chúng ta không bảo đảm được nguyên tắc này, thì đất nước phải đối mặt với rủi ro là bị phân mảng thành hàng chục ngàn ngôi làng thực hành “tiêu thổ kháng chiến” trong thời gian phòng chống dịch.

Nguyên tắc thứ hai, các giải pháp kiểm soát giao thông phải bảo đảm tính hợp lý. Đáng ra, ban hành bất cứ giải pháp gì hạn chế hoạt động giao thông - vận tải, hạn chế quyền đi lại của người dân, thì đều phải tham vấn ý kiến của công chúng, mà trước hết là của những đối tượng bị điều chỉnh.

Do tình hình dịch bệnh cấp bách, chúng ta có thể thông cảm với việc một số địa phương đã bỏ qua đòi hỏi này của pháp luật. Tuy nhiên, đánh giá tác động của chính sách/của giải pháp và bảo đảm trách nhiệm giải trình là hai đòi hỏi khác của pháp luật thì không thể bị bỏ qua.

Vaccine được phổ quát, không cần đến thẻ xanh, thẻ vàng

img

Nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách song vẫn khá thận trọng khi đề ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó có việc đi lại (Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện tại chốt trên tuyến QL32 đoạn cầu Trung Hà giáp ranh TP Hà Nội - Phú Thọ). Ảnh: Tạ Hải

Ở một số nước trên thế giới đã áp dụng thẻ xanh cho những người ở “vùng xanh”, có chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine thì thoải mái đi lại. Mô hình này có phù hợp với Việt Nam ở giai đoạn này?

Tôi thấy đây là mô hình có thể tham khảo để áp dụng cho Việt Nam trong quá trình mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức mà nhiều nước cho rằng có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Khi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt được ở mức phổ quát cho toàn dân và khi thuốc chữa trị Covid-19 đã được phát minh và cung ứng đầy đủ, thì thậm chí chính sách thẻ xanh cũng sẽ không còn cần thiết nữa.

Đơn giản là vì khi đó Covid-19 chỉ còn là một loại cúm mùa, bày đặt thẻ xanh, thẻ vàng làm gì cho phát sinh thêm thủ tục và chi phí.

Để “sống chung” với Covid-19 an toàn và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, theo ông, mấu chốt đặt ra là gì?

Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy phòng chống dịch. Chúng ta phải chuyển đổi từ mô hình phòng chống dịch để đạt được trạng thái “zero Covid” sang mô hình phòng chống dịch để “chung sống an toàn với Covid”.

Để làm được điều này, phải tìm mọi cách để có được nhiều vaccine hơn nữa và tiêm chủng đạt tỷ lệ cao hơn nữa.

Giảm tải các bệnh viện, các cơ sở y tế bằng cách cho các ca F0 không phát bệnh (các ca tự nhiễm, tự khỏi) được điều trị tại nhà. Có như vậy, các thiết chế này có thể hoạt động bình thường.

Giải phóng các cơ sở cách ly tập trung bằng cách cho các ca F1 tự cách ly tại nhà. Chính quyền hướng dẫn và giám sát việc cách ly thay vì đứng ra tổ chức và điều hành các cơ sở cách ly.

Thực hành nghiêm ngặt giãn cách xã hội (giãn cách xã hội chứ không phải phong tỏa xã hội). Bảo đảm các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra tương đối bình thường chỉ tránh tập trung đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm khoảng cách 2m trong mọi giao tiếp. Các giải pháp này nên để các chuyên gia về dịch tễ đề ra và điều chỉnh theo tiến độ và mức độ khống chế dịch bệnh cho phù hợp.

Nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân trong việc phòng chống dịch để người dân tự bảo vệ mình. Ví dụ, nghiêm chỉnh thực hành 5K, rèn luyện nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không hoảng loạn và tuyệt vọng vì dịch bệnh.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.