Ông Lê Viết Hoàng |
Theo ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng, lịch sử Bến xe Đà Nẵng tồn tại từ năm 1975 do UBND TP Đà Nẵng quản lý. 40 năm qua, bến xe thay đổi nhiều mô hình hoạt động từ Ban Quản lý bến xe sang doanh nghiệp hoạt động công ích, sau đó chuyển qua doanh nghiệp cổ phần, Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đến năm 2008, toàn bộ tài sản, nguồn vốn bán hết cho người lao động, thoái 100% vốn Nhà nước.
"Với mô hình bến xe xã hội hóa, hoạt động sản xuất trong bến được đẩy mạnh. Nhiều năm liền, bến xe hoạt động ngày càng hiệu quả, vì vậy cổ tức được chia cao hơn, đời sống cán bộ, công nhân viên được đảm bảo hơn. Hành khách, nhà xe vào Bến xe Đà Nẵng có cảm tình, không còn xảy ra tình trạng bỏ bến”. Ông Lê Viết Hoàng |
Gần chục năm thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi mô hình hoạt động, BX Trung tâm TP Đà Nẵng xây dựng diện mạo hoàn toàn mới, từ cách quản lý, điều hành, đến cơ sở hạ tầng. Mô hình này thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động vốn, đầu tư phương tiện cũng như chủ động hơn trong công tác tổ chức cán bộ, bộ máy. So với mô hình vốn Nhà nước ít được đầu tư, quan tâm, việc xã hội hóa bến xe tạo điều kiện huy động tối đa vốn đầu tư. Từ vốn Nhà nước chỉ 8,6 tỷ, đến nay, công ty đã huy động được 50 tỷ để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất bến xe khang trang, hiện đại.
Mô hình xã hội hóa đòi hỏi doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh. Với sự giám sát chặt chẽ của cổ đông, hoạt động doanh nghiệp mang tính công khai, minh bạch. Người lao động cũng chính là các cổ đông, bỏ vốn ra và trực tiếp hoạt động nên tất cả CBNV ở đây đều tâm huyết, làm hết trách nhiệm, thay vì tâm lý ỷ lại, thụ động như các mô hình quản lý khác.
Ông Hoàng cho biết, những năm qua, Bến xe Đà Nẵng đã được tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hình thành bến xe kiểu mẫu, đưa chất lượng dịch vụ như của ngành Hàng không vào áp dụng phục vụ hành khách đi xe. Ngay khi hoàn thành đưa vào sử dụng nhà ga bán vé cách đây vài năm, công ty tiếp tục khánh thành, đưa vào hoạt động hai nhà ga đón khách có tổng diện tích 3.000 m2, gần 50 vị trí đón trả khách cho xe chất lượng cao, xe giường nằm nhằm xây dựng một bến xe trật tự, văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Bến xe Đà Nẵng |
Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, đơn vị tập trung phát triển đột phá công nghệ thông tin, quản lý điện tử bến xe Đà Nẵng. Đây là bến xe đầu tiên trong cả nước phát triển phần mềm và hệ thống thiết bị giám sát phương tiện ra vào bến, đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quản lý hoạt động quản lý. Toàn bộ 1.600 xe hoạt động trong bến được giám sát chặt chẽ từng xe một. Khi một xe đăng ký vào bến, công ty nhận diện qua dữ liệu điện tử toàn bộ lý lịch, xe nào, ngày nào, giờ nào, giấy kiểm định...
Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong bến được đảm bảo. Công ty phối hợp với các đơn vị vận tải tại Đà Nẵng cũng như các đơn vị vận tải và các bến xe của các tỉnh, thành có tuyến cố định đến Đà Nẵng nhằm đạt năm mục tiêu: Đáp ứng đầy đủ phương tiện vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân; tuyệt đối đảm bảo an toàn; tuyệt đối không bắt chẹt hành khách lấy giá cước cao; đảm bảo tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bến; phối hợp với các cơ quan chức năng chống nạn “xe dù, bến cóc”.
Về kinh nghiệm xã hội hóa bến xe hiệu quả, ông Hoàng cho rằng, để triển khai mô hình xã hội hóa có hiệu quả cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, địa phương; đồng thời năng lực trình độ quản lý của doanh nghiệp phải phù hợp. Điều quan trọng mình tiến hành xã hội hóa phải quyết liệt, không chần chừ, nên XHH, CPH 100%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận