Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam, chủ đầu tư và các nhà thầu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt để vừa phòng dịch hiệu quả, vừa thi công.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, tới đây, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để sớm ban hành quy trình mẫu cho các nhà thầu thi công ở vùng đang có dịch, vùng áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Việc xây dựng mô hình mẫu với mục tiêu vừa thi công đảm bảo tiến độ, vừa an toàn phòng dịch đối với dự án cao tốc Bắc - Nam là hết sức cần thiết (Trong ảnh: Thi công gói thầu XL04, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Ảnh: Lê Tuấn
Một số gói thầu thiếu công nhân, thiết bị
Những ngày này trên công trường dự cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, không khí thi công vẫn đang diễn ra khẩn trương, hối hả.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, hiện trên công trường đang tập trung khoảng 1.500 cán bộ, công nhân, tổ chức 66 mũi thi công tại 5 gói thầu xây lắp.
“So với thời điểm trước khi bùng phát dịch ở các tỉnh, thành thì lượng lao động trên công trường vẫn được duy trì ổn định”, ông Long nói và cho biết, để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo tiến độ thi công, Ban Điều hành dự án luôn đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ của Ban, nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ, công nhân từ các khu vực thực hiện giãn cách, khi vào dự án làm việc đều phải cách ly từ 14 - 21 ngày.
Tại gói thầu xây lắp số 12, ông Đỗ Khắc Trung, Chỉ huy gói thầu cho biết, chiều dài tuyến là 6,6km, trong đó, hầm Thung Thi là 680m, tiến độ đạt 21%.
Dự kiến khoảng tháng 11 thông hầm bên phải tuyến và tháng 12 sẽ thông hầm còn lại.
“Tất cả các biện pháp phòng chống dịch đều được thực hiện nghiêm ngặt, các cán bộ, công nhân làm việc tại công trường đều bị hạn chế đi lại.
Các đơn vị đã tích trữ các nguồn vật liệu, tránh tình trạng thi công gián đoạn”, ông Trung cho biết thêm.
Tương tự, ở gói thầu xây lắp số 10, ông Đỗ Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng của Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đơn vị thực hiện thi công hai đầu đường và hầm chui Tam Điệp.
Trên công trường, từ trước tới nay lúc nào cũng có 150 cán bộ, công nhân. Hầm đã thông nên bây giờ chủ yếu gia cố, làm vòm trần, đào nền.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đội xử lý chống thấm chưa thể vào dự án do đang ở khu vực giãn cách.
“Nếu dịch bệnh kéo dài thì sẽ bị gián đoạn ở hạng mục này”, ông Tuấn nói.
Tại dự án QL45 - Nghi Sơn, ông Mạnh Đức Huy, Phó giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, đa số cán bộ của Ban, đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đều ở Hà Nội và các tỉnh thành đang phải giãn cách, chưa vào được dự án, nếu vào cũng phải cách ly 21 ngày theo quy định của địa phương.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chuẩn bị nhân sự và trang thiết bị. Ở 3 gói thầu, trên công trường hiện có trên 100 người, sắp tới cần ít nhất 600 người.
Tạm thời trước mắt, các đơn vị thuê 40 lao động ở địa phương để dựng trạm trộn bê tông, làm ván khuôn chuẩn bị đúc các cấu kiện.
Bên cạnh đó, toàn bộ dự án cần hơn 7,2 triệu khối đất đắp, các doanh nghiệp đang làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp phép các mỏ theo cơ chế đặc thù và cũng đã lựa chọn được một số mỏ.
Ngoài ra, để đảm bảo phòng dịch, Ban đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho tiêm vaccine đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại dự án.
Tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, trong 4 gói thầu, gói sớm nhất triển khai từ ngày 2/7/2021, gói muộn nhất là 29/7.
Đến nay qua 1 tháng triển khai, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành công đoạn chuẩn bị tại hiện trường.
Hiện tại, các nhà thầu huy động được 24 máy lu, 8 máy xúc, 18 máy ủi, 7 máy khoan nhồi... và 280 kỹ sư, công nhân.
Hiện, còn thiếu khoảng 15 thiết bị và 30 kỹ sư công nhân cho 2 mũi tiếp theo, nhưng gặp khó vì đa số các huyện, thị ở Nghệ An đều đang giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tại dự án Cam Lộ - La Sơn, ông Tạ Gia Minh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2 (thuộc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho hay, dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Trong đó, phải kể đến là việc không huy động được công nhân bổ sung để thi công hệ thống cầu, cống hộp, hầm chui (mỗi nhà thầu đang thiếu từ 10 - 20 công nhân).
Việc huy động máy móc, thiết bị cũng bị ảnh hưởng do được vận chuyển từ những vùng có dịch vào dự án, lái máy phải đi cùng thiết bị.
Đối với vật liệu đất đắp, Ban đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các sở, ban, ngành ưu tiên giải quyết các thủ tục để sớm bổ sung nguồn vật liệu gần 1 triệu m3 đất đắp cung cấp cho dự án (gói thầu XL5 và XL6).
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tiến độ dự án gần đây chững lại do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ban QLDA đang chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công, quyết tâm bù lại tiến độ ngay trong tháng tới.
Chuyển hướng thi công, phòng dịch nghiêm ngặt
Thi công lắp dầm Super T tại gói thầu XL01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Tại khu vực phía Nam, ghi nhận trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, các nhà thầu đang khẩn trương thi công phần nền, đúc dầm bê tông và thi công cầu vượt.
Dù điều kiện thi công khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam phức tạp, các nhà thầu vẫn triển khai hàng chục mũi thi công trên toàn tuyến dài 101km.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA7 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, việc huy động nhân lực, thiết bị đến công trường của các nhà thầu rất khó khăn.
Trước đó, dự án ghi nhận có 2 cán bộ của gói thầu số 1 dương tính với Covid-19 và nhiều cán bộ, công nhân thuộc diện F1, F2 phải đi cách ly, công trình tạm gián đoạn vài ngày để truy vết phòng chống dịch.
“Để công tác thi công không bị gián đoạn, Ban QLDA7 và các nhà thầu bắt tay vào thi công và kiểm soát chặt dịch bệnh tại công trường, với phương án “3 tại chỗ”.
Ban điều hành dự án phối hợp với tư vấn giám sát kiểm tra và lập biên bản đánh giá hàng tuần, kiên quyết xử lý người đứng đầu đơn vị nếu không có giải pháp và hành động phòng, chống dịch bệnh”, ông Khoát chia sẻ.
Theo ông Khoát, trong bối cảnh vừa thi công vừa phòng dịch, Ban QLDA7 đã chỉ đạo các nhà thầu xây dựng lại kế hoạch thi công.
Tại các vị trí thiếu vật liệu, mặt bằng, các nhà thầu phải chuyển hướng sang các mũi thi công cầu, cống, hầm chui, sản xuất cấu kiện đúc sẵn nhằm bám sát tiến độ và giá trị sản lượng để giải ngân.
Đến nay, trên công trường đã huy động được 1.627 cán bộ và công nhân, tập kết 875 đầu xe máy, thiết bị thi công, triển khai được 63 mũi thi công.
“Hiện, diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp nhưng hiện chỉ có khoảng 100 cán bộ, nhân viên được tiêm vaccine, 1.500 cán bộ, nhân viên còn lại trên công trường chưa được tiêm”, ông Khoát thông tin.
Tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, công tác thi công vẫn được duy trì ổn định, nhiều gói thầu đang đẩy nhanh thi công cấp phối đá dăm.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc điều hành gói thầu XL04 cho biết, để phòng chống dịch, nhà thầu bố trí công nhân thi công “3 tại chỗ”, bố trí một người chuyên đi chợ mua lương thực, nhu yếu phẩm phân phối đến từng lán trại đảm bảo “1 cung đường, 2 địa điểm”.
“Do ảnh hưởng dịch, việc cung cấp vật liệu cũng gặp khó khăn, không được liên tục. Tới đây, nhà thầu sẽ tăng tốc thi công bù tiến độ”, ông Tuấn nói.
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, vừa qua tại buổi làm việc với Chính phủ, tỉnh Bình Thuận báo cáo sẽ giải quyết cơ bản xong các tồn tại về mặt bằng và vật liệu trong tháng 7/2021, nhưng đến nay chưa có chuyển biến.
Ban đã có nhiều văn bản gửi tỉnh Bình Thuận đề nghị quan tâm giải quyết sớm vấn đề này.
Ông Nguyễn Doãn Tân, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, dù dự án đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện tại vẫn chưa kiến nghị giãn tiến độ.
“Nếu đến ngày 15/9, dịch được kiểm soát thì cũng sẽ không ảnh hưởng.
Đến nay, chúng tôi vẫn nỗ lực quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra”, ông Tân nói.
Quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng tiến độ
Trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công 2 dự án cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 21/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đặc biệt lưu ý Ban QLDA 6 và các nhà thầu về công tác phòng, chống dịch.
Thứ trưởng cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Ở Nghệ An, tất cả các huyện, thị nơi dự án đi qua đều đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế nhiều.
“Các đơn vị khi thi công phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch mà địa phương ban hành.
Đặc biệt, giám sát chặt về con người, từ khâu đi lại, ăn ở cho tới lúc làm việc trên công trường. Mục tiêu là vừa thi công đảm bảo tiến độ vừa an toàn phòng dịch”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng giao Ban QLDA 6 và các nhà thầu xây dựng quy trình mẫu về quản lý tiến độ, chất lượng gắn với phòng, chống dịch ở công trường thi công đường cao tốc.
Việc này có thể tham vấn Cục Y tế GTVT. Từ đó, Bộ sẽ nghiên cứu sớm ban hành quy trình mẫu cho các nhà thầu thi công ở vùng đang có dịch, vùng áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA 6 tiếp tục phối hợp với địa phương GPMB, tận dụng tối đa phần công địa đã được bàn giao để tổ chức thi công đạt hiệu quả.
Từng nhà thầu đăng ký kế hoạch huy động con người, xây dựng biểu đồ tiến độ thi công, quyết tâm không vì dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ công trình
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, công trình. Đồng thời, tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tăng cường các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các lực lượng tham gia trên các công trình, dự án thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm.
Đồng thời, Bộ GTVT đã có công văn gửi các địa phương đề nghị hỗ trợ việc ra vào công trường, vận chuyển vật tư, vật liệu vào công trường, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động đang thi công trên các công trường dự án giao thông trọng điểm.
Đối với hai dự án ở khu vực phía Nam là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM cho phép và ưu tiên xe vận chuyển thiết bị, vật tư, nhân sự đến công trường thi công các dự án.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương bổ sung “luồng xanh” vận chuyển vật tư, thiết bị từ các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM đến dự án xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo đại diện Cục QLXD&CLCTGT, bên cạnh khó khăn về việc vận chuyển máy móc, thiết bị, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã xuất hiện người bị mắc Covid-19 khiến việc thi công bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ dự án.
“Tiến độ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chắc chắn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là yếu tố khách quan, không thể lường trước.
Tuy nhiên, trước mắt, Bộ GTVT tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành dự án đúng theo hợp đồng đã ký kết. Việc có hay không gia hạn đối với các gói thầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được nghiên cứu, rà soát, đánh giá sau”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT chia sẻ.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận