Doanh nghiệp phấn khởi
Tối 10/10, Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, áp dụng thí điểm từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021 trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định cho biết, họ rất ủng hộ quyết định của Bộ GTVT, mong chờ sớm được hoạt động trở lại.
Trong thời gian thí điểm, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng). Đồng thời có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Sau nhiều tháng phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc Bộ GTVT cho mở lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh - dù chỉ bước đầu thí điểm nhưng đây lại là tín hiệu vui mừng cho các nhà xe.
Theo các doanh nghiệp, ngay sau khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh đã buộc phải tạm ngừng trong nhiều tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ba Châu (trụ sở tại TP.HCM) - hoạt động tuyến TP.HCM - Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết, doanh nghiệp ông đã phải tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 5/2021 cho đến nay.
“Nghe thông tin được cho hoạt động lại, công ty rất là mừng. Hành khách gọi cho tôi liên tục, họ cũng rất mừng. Họ đi xe máy vẫn được đó, nhưng tâm lý đi xe khách thì thoải mái và an toàn hơn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết như thế này.
Trong tình hình này, biết rằng sẽ lỗ, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận. Chúng tôi rất mong muốn được hoạt động trở lạị”, ông Điệp nói.
Theo các doanh nghiệp, họ rất ủng hộ với quyết định của Bộ GTVT. Vấn đề là hiện nay thời gian đã gần kề, nhưng ngành chức năng thì vẫn chưa có động thái gì.
“Phòng quản lý phương tiện vận tải có cho thông tin cho chúng tôi, nhưng khi tôi hỏi là cho hoạt động hả thì bên phòng hoạt động vận tải nói là chưa đâu, để xem lại. Doanh nghiệp phải làm một trong các nội dung đưa ra như khi lên xe thì phải có tiêm 2 mũi, trường hợp không tiêm thì test nhanh trong 72h, thực hiện 5k”, đại diện nhà xe Tuấn Hưng thông tin.
Các địa phương chờ nhau cái “gật đầu”
Thông tin từ các Sở GTVT một số tỉnh thành miền Tây, theo hướng dẫn của Bộ GTVT, địa phương đang lên kế hoạch, phương án. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng để nối lại các tuyến là ở việc các tỉnh, thành khác có có đồng ý tiếp nhận hay không.
“Theo quy định của Bộ là 2 đầu tuyến phải có sự thống nhất của UBND các địa phương. Như vậy, việc đầu tiên là mình phải hỏi ý kiến các địa phương xem ý người ta sao. Sau khi có sự thống nhất về tần suất, các biện pháp phòng chống dịch, hai bên có văn bản thống nhất rồi mới triển khai được”, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho hay.
“Sở đang làm văn bản, lấy ý kiến của các địa phương có bến đối lưu với TP Cần Thơ”, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin thêm.
Trước đó, từ cuối tháng 5/2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GTVT địa phương này đã có các thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đường bộ đi, đến hơn 40 tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 30/9, Cần Thơ nới lỏng giãn cách đến Chỉ thị 15. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới cho phép xe taxi được hoạt động không quá 20% trên tổng số xe của mỗi đơn vị, không chở quá 50% ghế ngồi để chở người đi khám bệnh và cấp cứu trong nội ô thành phố.
Tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng khác vẫn phải tiếp tục tạm dừng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho hay, từ ngày 15/9, đã cho phép vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng được hoạt động nhưng không quá 30% số lượng người được phép chở và không quá 10 người/chuyến. Đến ngày 1/10, được nâng công suất lên 50%. Riêng liên tỉnh vẫn tạm ngừng.
“Theo quyết định Quyết định số 1777 ngày 10/10 của Bộ GTVT và Công điện số 1322 của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã có văn bản trình UBND tỉnh thực hiện thí điểm trong 7 ngày đầu, từ ngày 13-20/10.
Hiện nay, việc ràng buộc ở đây chính là sự thống nhất giữa hai đầu bến. Ví dụ đầu đi - Vĩnh Long là sẵn sàng rồi, nhưng còn đầu đến là TP.HCM, trường hợp họ không đồng ý cũng không thể nào cho hoạt động được.
Tuần trước, Sở cũng đã có văn bản gửi lấy ý kiến các tỉnh về vấn đề triển khai thực hiện liên tỉnh, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi”, ông Quang nói.
Tương tự, ông Mai Văn Tân, Giám đốc sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho rằng, để mở lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh, cần phải có sự phối hợp và đồng thuận từ các địa phương.
“Sở đang nghiên cứu các văn bản để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành dựa trên hướng dẫn của Bộ GTVT.
Vấn đề quan trọng là cần phải có sự thống nhất giữa các địa phương mới có thể hoạt động. Trường hợp, chúng ta có triển khai nhưng mà đối lưu đóng thì mình không thể hoạt động được”, ông Tân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận