Vận tải

Thiếu “giấy thông hành vaccine” sẽ khó khôi phục nhanh vận tải thủy

Đường thủy sẵn sàng cho việc khôi phục vận tải hàng hóa và hành khách, song hiện tỷ lệ thuyền viên, người lao động được tiêm vaccine còn thấp.

Xét nghiệm nhiều, chi phí lớn

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) bùng phát tại nhiều tỉnh, thành, hoạt động vận chuyển, bốc xếp hàng hóa bằng đường thủy trên các luồng tàu chính trên toàn quốc vẫn được duy trì. Đặc biệt ở 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long, nơi vận tải thủy sôi động và dịch cũng diễn biến rất phức tạp, doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực vận tải thủy phát huy tinh thần chủ động, tự giác chấp hành quy định về phòng dịch của Bộ GTVT, Bộ Y tế, chính quyền địa phương để tham gia vận tải.

img

Hàng hóa được duy trì vận chuyển trong mùa dịch Covid-19 tại phía Nam chủ yếu là hàng xuất nhập khẩu, thóc lúa

Ngoại trừ các cảng, bến thủy hàng hóa phải tạm ngưng trong những ngày cao điểm cách ly phong tỏa (vì được cho là vận chuyển hàng không thiết yếu, như: cát, đá, xi măng, than, cấu kiện beton, máy móc, sắt thép…) và vận tải khách các loại, vận tải hàng xuất nhập khẩu từ cảng thủy đến cảng biển, đi Campuchia, chở hàng thiết yếu và thu hoạch lúa vụ hè thu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì hoạt động.

Thực tế cho thấy, vận chuyển đường thủy có ưu điểm ít tiếp xúc với dân cư, phương tiện lưu thông trên tuyến hoạt động độc lập, không “dừng ngang, đỗ tắt” như đường bộ; dễ kiểm soát khoảng cách phương tiện và cảng bến, tiếp xúc giữa thuyền viên trên phương tiện và nhân viên ở cảng, bến nên nguy cơ lây nhiễm thấp (trong đợt dịch vừa qua chỉ có 10 lao động mắc Covid-19, 2 sà lan phải giám sát khử khuẩn, thay thuyền viên). Vì vậy, tất cả các luồng vận chuyển thủy nội địa đều là luồng xanh, hoạt động trong điều kiện có kiểm tra phòng chống dịch, hạn chế tối đa thuyền viên tiếp xúc với nhau và và người trên bờ.

Tuy vậy, nhiều cảng, bến phải dừng hoạt động, cùng với việc yêu cầu điều kiện về xét nghiệm y tế chặt chẽ, khác nhau tại các chốt kiểm soát dịch đường thủy ở các địa phương khiến vận tải thủy gặp khó khăn. Khoảng cách giữa các thời gian xét nghiệm ngắn (48 hoặc 72h), chi phí mỗi lần xét nghiệm tương đương với 1 ngày lương của người lao động dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.

Thực tế là phương tiện vận chuyển hàng hóa tuy có hoạt động nhưng nhiều đơn vị chưa khai thác hết công suất, tốc độ quay vòng chậm. Doanh nghiệp vận tải hàng chủ yếu chạy cầm chừng để giữ chân người lao động và thực hiện hợp đồng đã ký. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính giảm 10-15% so với nửa đầu tháng 7/2021. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển khách, bến phà đã dừng rất lâu khiến doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn.

img

Hoạt động vận chuyển khách phà ngang sông, tàu cao tốc liên tỉnh đến nay vẫn dừng

Thiếu "giấy thông hành vaccine"

Hiện nay, doanh nghiệp và người dân làm nghề vận tải thủy đã và đang chuẩn bị cho việc nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, hành khách của nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Các điều kiện đã sẵn sàng như: đội phương tiện, hệ thống cảng, bến thủy và thuyền viên, nhân viên trực tiếp tham gia hoạt động vận tải, xếp dỡ hàng hóa; nguồn hàng vận chuyển đang chờ, đặc biệt là hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, xuất khẩu và cung cấp ra thị trường nội địa.

Dù vậy, điều kiện rất quan trọng để khôi phục vận tải thủy là “giấy thông hành vaccine” cho lực lượng lao động đường thủy lại chưa thể đáp ứng. Đến nay, một số địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh, Tiền Giang... đã chích ngừa vaccine mũi 1 cho cán bộ, thuyền viên, công nhân ngành đường thủy đạt 100% theo chương trình bao phủ tiêm cho người dân tại địa phương. Song nhiều địa phương như Hải Phòng Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình và khu vực phía Nam có tỷ lệ tiêm ngừa mũi 1 chỉ đạt khoảng 20-25%, có tỉnh còn ít hơn. Số lượng đã tiêm mũi 2 chỉ chiến khoảng 10 - 15% .

Việc thiếu "giấy thông hành vaccine” sẽ gây khó khăn lớn cho ngành vận tải đường thủy trong việc sớm tham gia vào nhiệm vụ “thích nghi - an toàn” sớm để sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế nhanh.

Để giải quyết vấn đề trên cần sự quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, ngành và nhất là chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo cơ quan y tế ưu tiên phân bổ vacccine cho lực lượng vận hành phương tiện thủy, sà lan, xe ô tô, cần cẩu bốc xếp tại cảng bến ngay trong đợt tiêm gần nhất, sớm nhất. Bởi lẽ người được tiêm cũng cần gần 2 tháng để vaccine có tác dụng miễn dịch, để tham gia vào phục vụ vận tải thủy.

Cơ quan y tế cần tạo thuận lợi về địa điểm xét nghiệm y tế để tìm F0 trên phương tiện thủy phù hợp với thực tế đường thủy xa, dài, cách biệt với xã hội. Bên cạnh đó, tỷ lệ xét nghiệm nên giảm theo số mũi vaccine đã tiêm, áp dụng thông nhất trên cả nước để tránh mỗi nơi một kiểu. Về lâu dài, cần miễn xét nghiệm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Giá tiền, khoảng cách xét nghiệm cũng cần tính toán lại để không ở mức quá cao như hiện nay.

Ngoài ra, ứng dụng khai báo, kiểm tra y tế bằng mã QR cần tổng hợp nhiều nội dung vào một mã để sử dụng lâu dài, thay vì có nhiều mã như hiện nay, giúp phương tiện, thuyền viên đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác được thông suốt.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, khoảng cách giữa các trạm kiểm soát giao thông trên đường thủy bình quân chỉ trên dưới 15km/trạm. Để thông thoáng luồng, cần sắp xếp lại vị trí, số lượng các trạm kiểm với khoảng cách 40-45km, chú ý những vị trí trọng yếu, nguy hiểm khi tàu sà lan di chuyển, từ đó vừa cảnh báo cho tàu thuyền qua lại, vừa kiểm tra an toàn giao thông khi cần thiết.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.