Phát biểu tại "Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020" triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng nay (22/7), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam dành sự quan tâm đầu tư cho phát triển năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, chúng ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu năng lượng theo hướng phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời thúc đẩy sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những tồn tại cần khắc phục.
Đầu tiên đó là mục tiêu an toàn năng lượng quốc gia khi hầu hết các nguồn điện than, khí đang gặp khó khăn về vấn đề nguyên liệu dẫn đến phải nhập khẩu. Từ đó, dẫn đến việc tự chủ về năng lượng còn thấp, cần có biện pháp tăng cường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều nguồn điện chậm tiến độ nhất là dự án nguồn điện than do quan ngại về vấn đề môi trường.
Nhiều dự án đang thiếu vốn, trình độ công nghệ chưa cao, trong khi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường có nơi chưa được chú trọng.
Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 55 về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
"Để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỉ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công thương đẩy nhanh lập quy hoạch điện lực quốc gia, xác định quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, đảm bảo tự chủ năng lượng, trong đó giảm dần các nguồn nhiệt điện giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường để tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Đánh giá về triển khai thực hiện Nghị quyết 55, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năng lượng của Việt Nam đã không còn phù hợp với chiếc áo đang khoác trên mình hiện nay.
Với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, chúng ta cần có sự cởi trói để năng lượng Việt Nam phát triển nhanh hơn.
Bộ trưởng Công thương nhận định, Nghị quyết 55 được ban hành vào thời điểm này rất phù hợp với ước mong lớn nhất là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, gắn chặt với hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 55 đã đề ra những định hướng trong xóa bỏ và tháo gỡ những rào cản để tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong khu vực tư nhân tham gia vào phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Nghị quyết 55 cũng đã xác định rất rõ chiến lược phát triển hướng an ninh năng lượng quốc gia đó là thời gian tới tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, ưu tiên năng lượng tái tạo.
Nghị quyết 55 thực sự đã mở ra cánh cửa mới với những cớ chế chính sách mới kể cả khuôn khổ luật pháp luật để thức đẩy phát triển ngành năng lượng trong giai đoạn mới.
"Bộ Công thương đã xây dựng và sẽ trình chính phủ sớm để thực hiện nghị quyết 55 trên phạm vi cả nước, dự kiến được ban hành ngay trong tháng 7/2020. Quy hoạch điện VIII trên thực tế dược triển khai gấp rút, quyết liệt và dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2021", Bộ trưởng Công thương cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận