Sử dụng năng lượng chưa hiệu quả
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công thương) cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (lượng năng lượng mà nên kinh tế phải sử dụng để tạo ra được 1.000 USD GDP) hiện nay Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP.
"Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaisia khoảng 60%...Như vậy cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả", ông Vũ nhận định.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công thương)
Theo ông Vũ, thời gian tới, cần Việt Nam phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế...
"Cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...”, ông Trịnh Quốc Vũ nêu.
Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững cũng đánh giá, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế…
Mỗi năm có thể tiết kiệm được 3.870 tỷ đồng tiền điện
Tương tự, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho hay, hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển.
“Điều này chứng tỏ chúng ta sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa hiệu quả”, ông Lâm nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Theo ông Lâm, Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.
Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năm tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
“Như vậy, tiết kiệm điện là rất quan trọng. EVN đã phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở dùng điện trong kiểm toán năng lượng, tư vấn tiết kiệm điện.
Tuy vậy, để thúc đẩy các chương trình quản lý phía nhu cầu, điều chỉnh phụ tải điện, dịch vụ tiết kiệm điện thì Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...”, Phó Tổng giám đốc EVN đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận