Bệnh nhân điều trị ngộ độc Paraquat tại Bệnh viện Bạch Mai. |
70% bệnh nhân ngộ độc Paraquat tử vong
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, chục năm trở lại đây, các ca ngộ độc thuốc trừ cỏ Paraquat tăng dần lên. Trung bình mỗi năm, trên toàn quốc có khoảng hơn 1.000 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ. Tính riêng tại Trung tâm Chống độc, trong năm 2016, BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng 450 trường hợp, trong đó có tới 70% tử vong. “Ngày nào, Trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ”, ông Nguyên cho biết
Hiện tại, trung tâm đang điều trị cho ba bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Thực tế, bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ luôn ở mức độ 1. Theo ông Nguyên, khi chất độc vào cơ thể, gây tổn thương đầu tiên cho hệ tiêu hóa, tổn thương phổi, gây sơ phổi tiến triển không dừng lại, nặng dần lên và bệnh nhân chỉ còn nguy cơ tử vong. Mặc dù điều trị cho bệnh nhân ngộ độc bằng các cách như lọc máu, thuốc giải độc…, tuy nhiên đều thấy hiệu quả chữa bệnh rất hạn chế. Trong trường hợp ngộ độc cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vài ba ngày. Với các bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ cỏ, có thể tử vong sau ba tháng ngộ độc.
“Do vậy, phần lớn bệnh nhân qua ba tuần không khó thở thì được coi là tương đối ổn, còn sau ba tháng không có dấu hiệu khó thở mới là hoàn toàn có cơ hội hồi phục”, BS. Nguyên cho biết.
Đáng lưu ý, trong ngộ độc thuốc diệt cỏ, trong vòng hai tiếng sau khi nạp chất độc, là có dấu hiệu của ngộ độc, đặc biệt chất độc hút nhanh vào trong phổi, đó là nguyên nhân gây tổn thương phổi, dẫn đến khó thở, đòi hỏi phải hít nhiều oxy. Tuy nhiên, khi oxy vào, kết hợp với chất độc này lại càng làm tăng tình trạng ngộ độc. “Do vậy, bác sĩ luôn phải “đánh vật” với cấp cứu bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Đáng nói là với những bệnh nhân này đến phút cuối vẫn tỉnh táo, nhưng suy hô hấp nên rất đau đớn, vật vã, khó chịu. Cách phòng ngộ độc duy nhất cần thực hiện là cấm triệt để việc lưu hành loại thuốc diệt cỏ này”, ông Nguyên cho biết.
Loại Paraquat khỏi danh mục thuốc BVTV nhưng chưa cấm
Ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có quyết định về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Quyết định này căn cứ trên các bằng chứng khoa học về thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, hiện vẫn đang tiếp tục rà soát 26 hoạt chất có trong Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam cũng đã bị cấm ở Việt Nam, tiếp theo khi các chuyên gia quốc tế họp vào tháng 5 và có khuyến cáo, Việt Nam sẽ có những quyết định sau đó với những chất tiếp tục được đưa vào danh mục cấm. Dù Bộ NN&PTNT đã có quyết định loại hai chất nguy hiểm 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV, nhưng lại cho phép nhập khẩu, sản xuất tối đa trong một năm nữa; Được buôn bán, sử dụng thêm tối đa hai năm nữa.
Chia sẻ về động thái mới nhất của Bộ NN&PTNT về việc loại Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho rằng: “Dẫu muộn còn hơn không, vì Paraquat là một chất cực độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu Paraquat được dừng lưu hành, điều đó đồng nghĩa với hơn 1.000 sinh mạng được cứu sống mỗi năm. Vì vậy, việc cấm nhập khẩu và lưu hành Paraquat là điều cần thiết phải làm”.
Hiện nay, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (Ban hành theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 21/4/2016), thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D có 36 tên thương phẩm; Hoạt chất Paraquat có 46 tên thương phẩm. Tuy nhiên, Cục BVTV, Bộ NN&PTNT cũng đã có những giải pháp đồng bộ, cụ thể để thay thế các sản phẩm chứa hoạt chất bị loại bỏ. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận