Ứng dụng V20 tại Trung tâm Y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
Thay thế 80 loại sổ sách giấy
Từ ngày Trạm Y tế xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đưa vào sử dụng phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở, thay vì xử lý hàng chồng đầu mục quản lý trên hồ sơ giấy, các cán bộ y tế có thể truy xuất tất cả dữ liệu khám, chữa bệnh chỉ qua 1 click chuột.
BS. Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Long cho biết, trước đây cán bộ của trạm mất rất nhiều thời gian cho việc ghi sổ sách, bởi mỗi đầu mục lại gồm nhiều sổ sách khác nhau.
Ví như riêng đầu mục chăm sóc sức khỏe sinh sản, cán bộ y tế phải ghi chép, lưu trữ vài sổ nhỏ như sổ quản lý thai sản, sổ tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, sổ theo dõi sinh đẻ tại trạm… Chưa kể đến việc thực hiện báo cáo hàng tháng, quý, năm… tất cả đều làm thủ công.
Bà Hồng cho biết thêm, đã không ít lần Trạm bị cơ quan BHXH xuất toán vì thiếu chính xác do làm thủ công hoặc sử dụng các phần mềm không đồng nhất.
Trung bình mỗi ngày, khoảng 50 bệnh nhân tới thăm khám tại đây, giờ đây việc sử dụng 1 phần mềm duy nhất, tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu khác đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nhân viên y tế.
Tương tự tại Trạm Y tế phường 15, quận Tân Bình, TP HCM, BS. Châu Quang Khải, Trưởng trạm y tế cho biết, hiện trạm đang quản lý khoảng 300 hồ sơ sức khỏe, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, sơ cấp cứu ban đầu… và mỗi ngày tiếp đón vài chục bệnh nhân tới thăm khám.
Khi chưa dùng ứng dụng công tác quản lý chuyên môn, báo cáo số liệu tại trạm phải sử dụng nhiều hệ thống phần mềm khác, việc kích hoạt và sử dụng mỗi phần mềm này mất rất nhiều thời gian.
“Hiện, tại trạm chỉ sử dụng 1 phần mềm duy nhất, tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu khác đã đem lại nhiều lợi ích”, BS. Khải chia sẻ.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, ứng dụng V20 đã được thực hiện cho công tác quản lý tại 100 trạm y tế trên địa bàn thành phố trong hơn một năm qua.
Trước đó, theo thống kê của ngành Y tế TP HCM, tại mỗi trạm có hơn 80 quyển sổ, để ghi chép lại các số liệu, hoạt động chuyên môn. Và giờ đây, tất cả được thay thế chỉ bằng 1 ứng dụng V20.
Kết nối dữ liệu của gần 12 nghìn trạm y tế
Sau hai năm sử dụng phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở đến các trạm y tế, BS. Khải cho biết, nhân viên y tế có thể dễ dàng truy cập các thông tin như tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử dị ứng thuốc, đã khám tại những cơ sở y tế nào…
Dựa trên cơ sở đó các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán đúng bệnh và chỉ định thuốc phù hợp với thể trạng của người bệnh, hạn chế tối đa các sai sót trong chỉ định thuốc và can thiệp y khoa.
Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở, nhằm kết nối dữ liệu của gần 12 nghìn trạm y tế trên cả nước.
Thời gian qua Bộ phối hợp với các đơn vị đã tập huấn cho trạm y tế các địa phương, đã có nhiều trạm y tế đang thí điểm thực hiện V20.
Dự kiến, cuối tháng 12 tới đây, Thủ tướng sẽ “bấm nút” khai trương chương trình V20 áp dụng cho toàn bộ các trạm y tế toàn quốc.
Ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế
Bên cạnh đó, công tác báo cáo lên tuyến quản lý cũng trở nên thuận tiện, đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian nhiều hơn so với trước đây.
Đối với người bệnh, họ sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự hài lòng và tin tưởng vào nhân viên y tế, đem lại hiệu quả điều trị cao hơn.
Chia sẻ về ứng dụng V20, TS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho rằng, hiện nay trên toàn quốc có khoảng gần 12 nghìn trạm y tế, trong đó khoảng 7.300 trạm đã và đang cài đặt phần mềm của VNTP, khoảng 3.300 trạm y tế triển khai phần mềm của Viettel, còn lại do các đơn vị tư nhân khác thực hiện.
Vấn đề đặt ra là làm sao để tích hợp nhiều phần mềm về một model tổng chung, thuận lợi cho việc quản lý các số liệu của tất cả các trạm y tế trong toàn quốc. V20 ra đời với mục tiêu này và được đặt “đầu não” ở Bộ Y tế.
“Việc triển khai V20 là bước đột phá của ngành Y tế trong quản lý thông tin y tế cơ sở; là lần đầu tiên Bộ Y tế quản lý được tất cả thông tin y tế cơ sở, từ đó có được dữ liệu y tế quốc gia, giúp Bộ đưa ra những quyết sách chỉ đạo kịp thời qua phân tích các dữ liệu thực tế, từ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh không lẫy nhiễm, phòng chống tai nạn thương tích, tiêm chủng mở rộng, dân số…
Qua đó, còn giúp các tỉnh thấy được những bất hợp lý về nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và mô hình bệnh tật trên địa bàn mình...”, ông Đức phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận