Hạ tầng

Một tháng 3 lần phát hiện nứt, vỡ trên đường băng, đường lăn Nội Bài

26/06/2020, 19:37

Trong tháng 6, Cảng HKQT Nội Bài đã nhiều lần phát hiện các điểm nứt vỡ trên đường lăn, buộc phải trám vá ngay để đảm bảo khai thác.

img
​Thi công trám vá trên đường lăn S2, Cảng HKQT Nội Bài ngày 13/6​

Liên tục phải trám vá đường băng, đường lăn phục vụ khai thác

Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay Cảng HKQT Nội Bài vừa hoàn thành trám vá các điểm nứt vỡ trên đường lăn S2.

Trước đó, Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Bắc kiểm tra trên 2 đường băng và các đường lăn của sân bay Nội Bài, phát hiện 2 điểm nứt vỡ trên đường lăn S2 đoạn giữa đường băng 11R/29L và đường lăn S1.

Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài đã chủ động phối hợp với Đài chỉ huy Nội Bài khắc phục trám vá lúc 1h sáng và đưa đường lăn S2 vào khai thác lúc 6h sáng nay (26/6).

Ngay trong tháng 6 này, Cảng HKQT Nội Bài đã nhiều lần phát hiện các điểm nứt vỡ trên đường lăn. Cụ thể, ngày 13/6, Cảng phát hiện nứt vỡ tại vị trí trám vá cũ trên đường lăn S2. Ngày 2/6, phát hiện 1 điểm nứt vỡ tại vị trí trám vá cũ trên đường lăn S2 và 1 điểm nứt vỡ tại vị trí trám vá cũ trên đường lăn S3.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khi sân bay này liên tục phảit đóng cửa để sửa chữa vị trí bị bong tróc mặt bêtông nhựa được phát hiện trên lề phía nam đường băng này.

Trước đó, báo cáo của Cục Hàng không VN cho thấy, tại Nội Bài, trên bề mặt đường cất/ hạ cánh 11L/29R có hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay. Với tình trạng hư hỏng nêu trên, trong điều kiện ngày nắng nóng và nhiệt độ cao (mùa hè sắp tới) sẽ xuất hiện thêm hiện tượng rạn bề mặt bê tông nhựa. Khi gặp trời mưa tại các vị trí hằn lún vệt bánh có nước mưa đọng lại không thoát hết gây ảnh hưởng đến kết cấu đường cất/ hạ cánh. Đường cất/ hạ cánh 11R/29L tại đây cũng có nhiều tấm bê tông bị nứt vỡ, sắc cạnh; có một số khu vực bị phùn bùn. Hiện tượng nứt vỡ bong bật các tấm bê tông lên tục xảy ra tại các vị trí đã trám vá cũ.

Tương tự, tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đường cất/ hạ cánh 25L/07R xuất hiện các vết nứt vỡ, sụt, lún. Mặt đường xuất hiện thêm một số miếng vỡ góc cạnh tấm. Đặc biệt đã xuất hiện một số vị trí vết nứt tập trung tại 4 tấm liên kết với nhau gây tình trạng lún bề mặt đường cất/ hạ cánh. Xuất hiện các vết nứt, vỡ cạnh tấm tại các khe co giãn. Đường cất/ hạ cánh 25R/07L bê tông bị rạn nứt, lún, hằn vết bánh, lồi lõm gây đọng nước khi trời mưa, hiện tượng bong bật và dồn, lún nhựa ngày càng tăng, bê tông nhựa bị rạn nứt, giảm cường độ.

img
Do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải sửa chữa

Chọn xong nhà thầu cải tạo, nâng cấp khu bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Theo Bộ GTVT, Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không lớn nhất của cả nước.

Năm 2019, hai cảng này đã phục vụ 70,5 triệu lượt hành khách trên tổng số 116,5 triệu lượt hành khách qua 22 cảng hàng không của cả nước, chiếm 60,5% tổng sản lượng hành khách.

Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này xuống cấp nghiêm trọng.

“Nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại 2 sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không”, Bộ GTVT khẳng định.

Cũng theo Bộ GTVT, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại đây là hết sức cấp bách.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã chọn xong các nhà thầu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát 2 dự án khẩn cấp cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất và khởi công các dự án này vào đầu tuần tới.

Cụ thể, với dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài, Bộ GTVT chọn nhà thầu xây lắp là liên danh: Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; nhà thầu tư vấn thiết kế là liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC); nhà thầu tư vấn giám sát là: Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO).

Với dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thầu xây lắp là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Tổng công ty Xây dựng hàng không - Công ty 647; nhà thầu tư vấn thiết kế là liên danh: Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không; nhà thầu tư vấn giám sát là liên danh: Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam (ITSTS) - Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South).

Tại sân bay Nội Bài sẽ cải tạo, nâng cấp đường băng 11L/29R (đường băng 1A) và đường băng 11R/29L (đường băng 1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh; cải tạo, nâng cấp 9 đường lăn hiện hữu; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cải tạo, nâng cấp đường băng 25R/07L; xây mới 2 đường lăn thoát nhanh, 1 đường lăn song song; xây dựng, cải tạo, nâng cấp 6 đoạn đường lăn nối; xây các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tổng mức đầu tư của 2 dự án là hơn 4.000 tỉ đồng. Trong đó sân bay Nội Bài là 2.031 tỉ đồng, sân bay Tân Sơn Nhất là 2.015 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.