Các bị cáo trong vụ án tại PVN và PVC trong phiên toà phúc thẩm - Ảnh: TTXVN |
Sáng 9/5, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bước sang ngày làm việc thứ ba với phần xét hỏi.
Toà dành 1 tiếng trong phiên xét xử buổi sáng để xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch PVN về những vấn đề xung quanh nội dung ông Thăng kháng cáo.
Vì sao bị cáo Đinh La Thăng giữ nguyên các nội dung kháng cáo?
Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo có đơn kháng cáo. Tại phiên toà này, bị cáo có giữ nguyên yêu cầu kháng cáo không?
Bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Bị cáo trình bày những lý do chính kháng cáo việc toà sơ thẩm tuyên bị cáo tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng?
Thưa HĐXX, sau khi TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo tội cố ý làm trái, sau khi suy nghĩ kỹ bị cáo đã làm đơn kháng cáo vì thấy rằng việc thẩm tra công khai các chứng cứ tại toà sơ thẩm, ý kiến bào chữa của các luật sư cho các bị cáo không được HĐXX xem xét một cách thấu đáo.
Toà sơ thẩm cũng không đặt Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong tổng thể nhiệm vụ chính trị, trong bối cảnh lúc đó Tập đoàn Dầu khí PVN phải thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành. Dự án này đã được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, không phải nhất thời mà có chủ trương từ năm 2006.
Tháng 2/2009, Thủ tướng tiếp tục cho PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện dự án đầu tư của Tập đoàn.
Dự án này là dự án trọng điểm Nhà nước về điện, do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và được hưởng cơ chế đặc thù, cho phép dự án được vừa thiết kế vừa thi công, được tổ chức thiết kế chi tiết trước đồng thời với thực hiện chủ trương đầu tư.
Một điều quan trọng nữa là kết luận của Bộ chính trị và chỉ đạo của Chính phủ là PVN phải tăng trưởng, đẩy nhanh tăng tỷ trọng doanh thu dịch vụ. Vì Việt Nam là nước có dầu nhưng trữ lượng không có nhiều. Đó là bối cảnh của dự án, để thực hiện chủ trương đó, PVN đã xây dựng 1 Nghị quyết để phát huy nội lực tăng trưởng...
Dự án này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo, có họp giao ban thường xuyên liên tục để chỉ đạo trực tiếp dự án.
Lý do khác nữa là trong án sơ thẩm chưa xác định rõ phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của bản thân tôi. Vì ở phiên toà sơ thẩm tôi nhận trách nhiệm người đứng đầu và thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến hậu quả nhưng mong HĐXX xem xét, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ của tập đoàn.
Dự án này đã được phân công trách nhiệm rất rõ ràng, dự án đã được HĐTV PVN giao cho chủ đầu tư là PVPower và Ban TGĐ PVPower thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. PVPower khi đó cũng đã thành lập Ban chỉ đạo dự án.
PVPower là đơn vị thành viên của PVN, có tư cách pháp nhân độc lập, hoàn toàn độc lập trước pháp luật giống như PVN, nên tôi mong muốn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cần được làm rõ.
Bị cáo giữ nguyên yêu cầu không phạm tội cố ý làm trái như cấp sơ thẩm quy kết. Bị cáo có tội gì không? Với hậu quả do vụ án gây ra, với cương vị Chủ tịch PVN bị cáo thấy mình có vi phạm, trách nhiệm gì? Trong khi cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chỉ định thầu cho PVC trong khi PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư lớn. Cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chỉ đạo đôn đốc, thúc ép việc tạm ứng các đơn vị PVC và PVPower ký hợp đồng khi chưa có quyết định phê duyệt cũng như hiệu chỉnh về hồ sơ, chưa có tổng dự toán..., đôn đốc chỉ đạo BĐH quản lý dự án cấp vốn cho PVC không đúng quy định. Cấp sơ thẩm quy kết như thế, bị cáo phải chứng minh được mình không có những hành vi đó. Nhưng trong đơn kháng cáo bị cáo lại đề nghị xem xét lại tội danh. Nếu không có tội thì bị cáo kêu oan và đề nghị minh oan cho bị cáo. Vậy bị cáo kêu oan hay đề nghị xem xét lại tội danh, có đề nghị xem xét giảm hình phạt không?
Thưa HĐXX, toàn bộ nội dung của án sơ thẩm tôi xin phép trình bày từng nội dung để chứng minh việc quy kết của toà sơ thẩm chưa phù hợp với bản chất sự việc.
Bị cáo: "Chủ trương liên danh nhưng nhà thầu nước ngoài không đồng ý"
Vấn đề thứ nhất, việc lựa chọn PVC làm tổng thầu có trái quy định của pháp luật không? Vì sao?
Việc này không trái quy định, vì việc này đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, HĐTV PVN cũng đồng ý về mặt chủ trương.
Theo ý kiến của VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC thực hiện nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVN có thực hiện đúng không?
Dạ có.
Khi lựa chọn PVC làm tổng thầu đã có hồ sơ đề xuất chưa?
Dạ có.
Trước khi ký hợp đồng EPC 33 đã có hồ sơ đề xuất chưa?
Thưa HĐXX, việc quyết định nhà thầu lúc đó thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư là PVPower, PVN chỉ đôn đốc tiến độ để triển khai thực hiện, còn để ký các hợp đồng theo quy định là trách nhiệm của Chủ đầu tư PVPower.
Năng lực tài chính của PVC khi giao cho làm tổng thầu, bị cáo có nắm được không?
Theo báo cáo của PVPower, năng lực tài chính của PVC trong 3 năm, các chỉ tiêu tài chính đều đạt tiêu chuẩn. Thực tế từ 2009-2011, PVC đều hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, riêng năm 2010 lãi 1.000 tỷ.
Năm 2011, bị cáo có nắm được năng lực tài chính của PVC thế nào không?
Thưa HĐXX, bị cáo không nhận được báo cáo. Tháng 8/2011 bị cáo chuyển công tác nhưng được biết cuối năm báo cáo tài chính năm 2011 cho thấy PVC vẫn có lãi.
Bị cáo đã nghe lời khai của các bị cáo khác về tình hình tài chính của PVC rằng giai đoạn đó rất khó khăn, lãi ngân hàng đến giai đoạn trả rất nhiều, mất cân đối dòng tiền, bị cáo có nắm được không?
Lúc PVPower quyết định chọn PVC làm tổng thầu, khi đó chỉ căn cứ vào các báo cáo tài chính được kiểm toán của PVC và PVP, lúc đó chưa có những lời khai như thế này nên tôi không thể biết được.
Về kinh nghiệm PVC đã tham gia dự án lớn nào chưa?
PVC đã tham gia rất nhiều dự án lớn, có những dự án lớn hơn dự án này như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau...
Nhưng với tư cách tổng thầu hay chỉ là nhà thầu phụ?
Có cả tư cách nhà thầu phụ và liên danh tổng thầu.
Các văn bản trước đó yêu cầu liên danh tổng thầu do nhà thầu nước ngoài đứng đầu, lý do tại sao chuyển sang giao cho PVC làm tổng thầu?
Thưa HĐXX, ban đầu PVN báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng đồng ý cho tập đoàn chỉ định thầu, hình thức lựa chọn do tập đoàn quyết định. Tuy nhiên, PVN đầu tiên tính chọn liên danh nhà thầu nhưng sau quá trình đàm phán nhà thầu nước ngoài lại không đồng ý nhà thầu trong nước là lãnh đạo.
HĐXX: Vì sao bị cáo đôn đốc PVC, PVPower ký hợp đồng?
Quá trình điều tra bị cáo và các bị cáo khác đều nói về sức ép tiến độ dẫn đến các việc làm sai trái. Nhưng Phó Thủ tướng phê duyệt từ 2006, đến 2011 mới triển khai ký kết. Đến khi thực hiện lại trong thời gian rất ngắn. Theo lời khai từ PVPower ký hợp đồng trong quý 1 năm 2011 là rất khó khăn. Vì sao bị cáo vẫn cứ đôn đốc các đơn vị PVC, PVPower ký hợp đồng vào tháng 2/2011?
Bị cáo cũng như lãnh đạo Tập đoàn đều chỉ đạo không vì sức ép tiến độ mà cố tình làm sai, làm trái. Bản thân PVPower đã báo cáo cho PVN là đã đủ điều kiện ký hợp đồng. PVN được chủ đầu tư báo cáo thế thì rất phấn khởi.
Vì ép tiến độ dẫn đến hậu quả ký hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý, dẫn đến tạm ứng không đúng quy định, sử dụng tiền tạm ứng cũng sai gây thiệt hại. Bị cáo thấy đó có phải do chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo PVN?
Thưa HĐXX, tôi xin khẳng định lại việc ép tiến độ là đương nhiên vì với các dự án khác cũng vậy, phải đẩy nhanh tiến độ do thiếu điện, đẩy nhanh để có hiệu quả tốt hơn.
Nhưng tiến độ phải đi đôi với đúng quy định pháp luật, lấy lý do tiến độ làm trái quy định của Nhà nước có ổn không?
Đúng như chủ toạ nói. Việc ép tiến độ là cần thiết, nhưng lãnh đạo PVN cũng như bản thân tôi luôn chỉ đạo phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc ký hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện giữa PVC và PVP chứ PVN không can thiệp, đây là 2 đơn vị hạch toán độc lập, tự bịa ra các điều đó để ký hợp đồng chứ PVN không ai chỉ đạo điều đó.
Thủ tướng cho cơ chế đặc thù được chỉ định thầu nhưng phải đủ năng lực, đúng quy định của pháp luật, nhưng việc chỉ định PVC làm tổng thầu cũng do PVN đề xuất, rồi giao PVPower làm chủ đầu tư cũng do PVN đề xuất. Lựa chọn chủ đầu tư và tổng thầu là trách nhiệm của PVN. Kết quả điều tra cho thấy tại thời điểm 2011 năng lực tài chính của PVC khó khăn, lỗ nhiều, nguy cơ mất nghìn tỷ. Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đầu tư thế mà thiệt hại rất nhiều. Bị cáo có thấy trách nhiệm của mình?
Chỉ đạo của Thủ tướng là chỉ định thầu nhưng đúng quy định của pháp luật. PVN cũng chỉ đạo phải làm đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo: "Không nhận được văn bản báo cáo về hợp đồng 33"
Hợp đồng 33 không đủ căn cứ, không có hiệu lực. Việc đó với tư cách Chủ tịch PVN bị cáo có biết không? Vì sao phải ký lại hợp đồng?
Trong tất cả các cuộc họp không ai nói về hợp đồng 33, chứ chưa nói gì đến chuyện có sai phạm gì hay không. Và đây không phải trách nhiệm của Chủ tịch PVN mà là trách nhiệm của Chủ đầu tư. PVN chỉ đôn đốc tiến độ cho nhanh, còn ký hợp đồng nào là trách nhiệm của 2 đơn vị. Còn ký lại hợp đồng là do chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN.
Chuyển chủ đầu tư có nhiều lý do nhưng các bị cáo nói có lý do PVPower đủ điều kiện thực hiện dự án này. PVPower có báo cáo hợp đồng 33 không có tính hợp pháp, không đủ căn cứ thực hiện. Đó có phải lý do thay đổi chủ đầu tư? Văn bản của PVPower bị cáo có nhận được không?
Bị cáo không nhận được bất cứ văn bản báo cáo nào của PVPower về hợp đồng 33.
Nếu nhận được văn bản thì bị cáo phải có xử lý và có bút phê ở đó. Thực tế năm ngoái, khi vụ án xảy ra, tôi còn hỏi anh Quang PVPower là có việc ký hợp đồng không căn cứ không. Anh Quang bảo có, lúc đó tôi mới biết. Tôi cũng chưa nhận được bất cứ văn bảo nào nói rằng PVC năng lực tài chính yếu.
Trong nội dung kháng cáo, bị cáo cũng đề nghị xem xét lại cách đánh giá thiệt hại?
Tôi đề nghị xem xét lại căn cứ đánh giá thiệt hại, không thể tính thiệt hại từ lãi suất tiền gửi được. Hơn nữa, xác định thiệt hại do sử dụng sai mục đích từ 10/2011 nhưng tôi đã chuyển công tác và chấm dứt chức năng nhiệm vụ quyền hạn từ tháng 8/2011.
Nhưng hành vi tạm ứng đã xảy ra trước đó rồi chứ không phải sau khi bị cáo không còn công tác người ta mới tạm ứng. Hành vi tạm ứng sai và chi sai nguyên tắc từ trước chứ không phải đến tháng 10/2011?
Bản thân tôi có trách nhiệm người đứng đầu và khi giám sát không phát hiện việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai, nhưng tôi vẫn cho rằng, người chi tạm ứng sai phải là người chịu trách nhiệm chính.
Nhưng toà sơ thẩm nói bị cáo là người đôn đốc tạm ứng?
Tôi hoàn toàn không ép buộc ai tạm ứng, tất cả các lần tạm ứng tiền đều có kết luận của tôi, khi đó tôi kết luận tạm ứng tiền phải đúng quy định của pháp luật chứ tôi không ép buộc tạm ứng. Nhưng kết luận này không được thực hiện. Bị cáo khẳng định không thúc ép là phải tạm ứng tiền. Trong kết luận cuộc họp, tôi yêu cầu việc sử dụng tiền đó phải đúng mục đích, có hiệu quả, tiền tạm ứng cho Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ được sử dụng cho dự án này.
Nếu thúc ép tiền thì tôi đã đồng ý tăng vốn điều lệ.
Việc thay đổi chủ đầu tư từ PVP và PVN có nhiều lý do chứ không phải liên quan việc tạm ứng tiền.
Còn việc bị cáo gọi các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vào Nguyễn Quốc Khánh vào phòng chỉ đạo việc cấp vốn?
Tiến độ chung thì bị cáo có đôn đốc, nhưng chỉ đạo tạm ứng bao nhiêu, vào lúc nào thì không có. Anh Chương PVPower khai bị cáo gọi anh Chương và mấy người lên thì bị cáo khẳng định không có, vì thời điểm anh Chương khai bị cáo đang đi tiếp xúc cử tri ở Thanh Hoá. Bị cáo không muốn ai vướng vòng lao lý nhưng đây là sự thật.
Tại toà anh Khánh và anh Sơn cũng khai không có chuyện đó.
Bị cáo không đổ lỗi cho người khác. Bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu và thiếu kiểm tra, giám sát.
Những sai phạm của các bị cáo khác bị cáo nhận thức thế nào?
Bị cáo nhận thức là sai phạm lớn nhất và trực tiếp là việc ký hợp đồng sai quy định của pháp luật, bịa đặt chứng từ, căn cứ để ký hợp đồng dẫn đến hàng loạt sai phạm.
Tiếp đến là việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích...
HĐXX yêu cầu bị cáo trả lời rõ trong Nghị quyết của tập đoàn chọn nhà thầu liên danh, tại sao lại chọn PVC làm tổng thầu?
Cùng lúc dự án Thái Bình 2 thì PVN còn thực hiện 1 dự án khác, cùng phương thức liên danh nhà thầu nhưng gặp khó khăn vì nhà thầu nước ngoài không đồng ý. Vì thế tôi có văn bản xin ý kiến Thủ tướng cho nhà thầu trong nước làm tổng thầu chứ không chọn nhà thầu liên danh nữa. Trên cơ sở đó chọn PVC làm tổng thầu.
Sau 1 tiếng xét hỏi ông Đinh La Thăng, HĐXX tuyên bố phiên xét xử buổi sáng dừng lại, chờ 14h chiều HĐXX sẽ triệu tập ông Hồ Công Kỳ - cựu Chánh Văn phòng PVN đến nhằm làm rõ thêm hành vi của các bị cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận