Sản lượng xếp dỡ tăng trưởng 2 con số
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang cho biết, từ khi chính thức hình thành và phát triển cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang từ năm 2018 đến nay, cùng những thăng trầm của nền kinh tế cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cảng ngày càng khẳng định tên tuổi và thương hiệu trên thị trường.
Việc xếp dỡ tấn hàng thứ 1 triệu là dấu ấn chặng đường phát triển của cảng khi đưa cầu cảng số 1 vào khai thác tháng 5/2018.
Ông Phong cho biết, VIMC Hậu Giang xuất thân từ một doanh nghiệp dự án phục vụ cho công nghiệp đóng sửa chữa tàu. Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Đến năm 2012, doanh nghiệp này chấm dứt chức năng công nghiệp tàu thủy, chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải.
Hiện nay, VIMC Hậu Giang có bến số 1 có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 DWT đầy tải và 20.000 DWT giảm tải, bến số 2 cho tàu có trọng tải đến 5.000 DWT, nâng cao năng lực tiếp nhận các loại tàu vận tải, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng và đa dạng.
Cảng cũng trang bị nhiều phương tiện thiết bị phục vụ khai thác tối ưu hàng hóa, bao gồm: Một cần cẩu chân đế Macgregro với sức nâng 45 tấn và 1 cần trục chân đế Kirov với sức nâng 12,5 tấn; 5.600m2 nhà kho, bãi tổng hợp 40.000m2, 1 trạm cân điện tử cùng nhiều trang thiết bị, công cụ xếp dỡ hàng hóa khác. Tổng diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý sử dụng là 871.000m2.
Năm 2022, cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang xếp dỡ 820.000 tấn, 7.120 Teus, doanh thu đạt 53,660 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2023, xếp dỡ hơn 1 triệu tấn, 6.200 Teus, doanh thu 64 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cao, về sản lượng xếp dỡ hàng hóa tăng 32%, doanh thu tăng 20% so với năm 2022.
Đầu mối giao thương giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long
"Với sự phát triển kinh tế của Hậu Giang và khu vực lân cận cùng với sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và VIMC Hậu Giang, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ xếp tấn hàng thứ 5 triệu trước năm 2030", ông Phong khẳng định.
Sở hữu vị trí chiến lược là đầu mối giao thương giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang) và giữa Vương quốc Campuchia với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, cảng được kỳ vọng trở thành cửa ngõ giao thương nội địa và quốc tế hàng đầu của khu vực ĐBSCL.
Đây còn là nơi lưu kho, bảo quản, vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cho các khu công nghiệp, cũng như là điểm tập kết hàng hóa từ các trung tâm sản xuất công nghiệp để phân phối cho thị trường trong nước và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và đường thủy.
Lãnh đạo cảng VIMC Hậu Giang thông tin thời gian tới, cảng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào trong hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiếp tục đầu tư mở rộng nhà kho, bãi phục vụ cho việc lưu chứa hàng hóa; Đầu tư thiết bị cẩu có sức nâng lớn để bốc dỡ các kiện hàng nặng.
Đặc biệt, đầu tư các phương tiện, thiết bị, công cụ xếp dỡ khác để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, giải phóng tàu nhanh, là cảng xếp dỡ hàng hóa 24/7.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận