Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết, sẽ phân tích nguyên nhân khiến 2 chiếc hộp đen ngừng ghi dữ liệu.
Ban đầu, hộp đen ghi âm buồng lái được phân tích tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi phát hiện dữ liệu trong hộp đen bị mất, thiết bị này đã được gửi đến phòng thí nghiệm của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) để xử lý.
Ngoài ra, hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay của chiếc máy bay Jeju Air bị hư hại sau vụ tai nạn cũng được gửi đến Mỹ để phân tích.
Ông Sim Jai-dong, cựu nhân viên điều tra viên tai nạn của Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết, việc dữ liệu bị mất trong những phút cuối cùng là điều rất đáng ngạc nhiên. Ông Sim cho rằng, khi đó toàn bộ nguồn điện, bao gồm cả hệ thống dự phòng, có thể bị mất, điều vô cùng hiếm xảy ra.
Trước đó, máy bay mang số hiệu 7C2216 của Jeju Air, khởi hành từ Bangkok, Thái Lan, đến sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, gặp sự cố.
Được biết, khoảng 4 phút trước khi xảy ra tai nạn, các phi công báo cáo về việc máy bay bị chim va chạm với đài kiểm soát không lưu và phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp (May Day).
Sau đó, phi công đã từ bỏ nỗ lực hạ cánh và bắt đầu điều khiển máy bay vòng trở lại.
Tuy nhiên, chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air đã thực hiện một vòng quay gấp, đồng thời tiếp cận đường băng duy nhất của sân bay từ phía đối diện, hạ cánh mà không hạ bánh đáp.
Máy bay trượt đi với tốc độ cao, lao vào bức tường cứng ở cuối đường băng, gây ra vụ nổ dữ dội khiến 179 người trên máy bay thiệt mạng.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giao thông vận tải thông báo toàn bộ dữ liệu có sẵn sẽ được sử dụng để phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn. Bộ này cam kết đảm bảo minh bạch trong quá trình chia sẻ thông tin với thân nhân các nạn nhân.
Song, một số thân nhân nạn nhân cho rằng, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc không nên là cơ quan chức năng đứng đầu cuộc điều tra, kêu gọi cho phép các chuyên gia độc lập bao gồm những người được thân nhân các nạn nhân đề xuất, để đảm bảo khách quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận