Người dân Hà Nội giải cứu nông sản sạch Hải Dương trên đường Đê La Thành (Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
Kính cận tôi nay đàm đạo với Kính viễn về đợt sóng dịch Covid-19 lần thứ ba.
- Theo ông, dịch bệnh lần này ta được gì mất gì?
Kính viễn đăm chiêu: Ta có thêm những bài học, phương thức chống dịch mới.
Cách xét nghiệm cũng mới. Thấy bà con vẫn ấm áp nghĩa tình. Không phải vì kinh tế khó khăn mà ngại ngần chìa tay giúp người khác.
Nhiều doanh nghiệp cá nhân bỏ nhiều trăm triệu đồng giải cứu nông sản Hải Dương phát không cho người tiêu dùng...
Mất thì chắc chắn là mất thêm chi phí, mất nông sản không xuất khẩu được, mất thu nhập, GDP cả nước mất tăng trưởng...
Kính cận tôi bổ sung: Cái được lần này là ta chưa mất thêm người, hơn 700 ca nhiễm mới mà không thêm các ca tử vong khi điều trị. Người dân yêu thương đùm bọc nhau hơn, điều chỉnh nhịp sống chậm hơn, bớt nhiều vấn nạn xã hội như tụ bạ rượu chè thâu đêm suốt sáng.
Tôi ví dụ cái vụ loa kéo. Hát karaoke ông ổng trên vỉa hè là bớt hẳn. Hàng quán tụ tập vỉa hè bớt thì ông hát dạo bớt, phố xá yên bình, văn minh hơn hẳn.
Kính viễn cười phá lên: Ông nói thế thì tôi lại phải nói thế này. Hát dạo loa kéo bớt đi thì lại phát sinh nạn karaoke ông ổng cả ngày lẫn đêm, tra tấn hàng xóm. Nghỉ dịch làm online, “nhàn cư vi bất thiện” ngày đêm hát hò tập làm ca sĩ, ô nhiễm tiếng ồn, gây bức xúc kinh khủng.
Mà láng giềng, góp ý, báo cáo lên phường là dễ từ mặt nhau, xích mích cãi cọ nên rất khó giải quyết, không như vụ loa kéo dạo.
Nên nói đi nói lại tôi thấy cái được, cái mất trong đại dịch ranh giới rất mong manh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận