Các y bác sĩ chăm lo cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang
Hải Dương chuẩn bị bước vào giai đoạn “phản công”, quyết đẩy lùi dịch Covid-19. Trong trận chiến chống Covid-19, mỗi người dân Hải Dương lại đóng góp theo cách riêng của họ.
Giữ vững cứ địa “chạy thận nhân tạo”
Bài học từ vụ dịch Covid-19 ở Đà Nẵng với số lượng bệnh nhân tử vong cao xuất phát điểm từ khu điều trị các bệnh nhân vốn mắc các bệnh lý nặng, được lưu ý ngay những ngày đầu dịch xuất hiện tại Hải Dương. “Phải bảo vệ được những bệnh nhân mắc bệnh nền, bệnh nhân thận nhân tạo…” là 1 trong những nguyên tắc vàng trong điều trị được Bộ Y tế đặt ra.
Những ngày qua, các bác sĩ của đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang vất vả hơn hẳn ngày thường. Nơi đây có số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo đứng thứ 2 trong toàn tỉnh Hải Dương với 72 bệnh nhân thuộc địa bàn 3 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng. Trong số đó có 17 bệnh nhân ngoại tỉnh không thể trở về nhà.
BS. Đặng Văn Nguyên, Giám đốc TTYT huyện Ninh Giang chia sẻ: “Bệnh nhân chạy thận ngày thường đã khó trăm bề nay lại càng khó khăn hơn. Đối với các bệnh nhân ngoại tỉnh, ngoài chú trọng đến công tác điều trị để đảm bảo an toàn, chúng tôi còn cố gắng tối đa để người dân có nơi ăn nghỉ đảm bảo hồi phục sức khỏe trong những ngày không thể trở về với gia đình”.
Từ Tết đến giờ chưa về thăm gia đình, BS. Quách Xuân Loan cho hay: “Mình không được về nhà nhưng lại được đồng hành cùng những bệnh nhân chạy thận. Những bệnh nhân mà mình coi như người thân vì điều trị gần như thường xuyên. Bệnh nhân chạy thận như mang quả “bom nổ chậm” bên mình, khó khăn đủ đường nên anh em bác sĩ ai cũng quan tâm, động viên”.
BS. Nguyên cho hay, khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, cũng là lúc các bệnh nhân ngoại tỉnh không thể về quê. Chính vì vậy, y bác sĩ của Trung tâm phải đi gặp từng nhà dân để thuê trọ cho người bệnh.
“Bà con lo lắng cũng phải vì Ninh Giang vừa qua cũng là cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi thuyết phục để bà con hiểu. May mắn mọi người đều hiểu và hỗ trợ tối đa. Nhiều cán bộ địa phương còn ứng trước tiền túi để trả tiền phòng cho bệnh nhân chạy thận. 17 bệnh nhân thận nhân tạo được chia làm 2 khu ở: Nhà trọ trong dân và trường THCS Thành Nhân”, BS. Nguyên cho biết.
Xúc động trước sự hỗ trợ giữa tâm dịch Covid-19, ông Nguyễn Xuân Minh (73 tuổi, quê Thái Bình), chạy thận 4 năm tại Trung tâm Y tế Ninh Giang chia sẻ: “Bệnh nhân chạy thận chúng tôi nghèo tiền, nghèo bạc mà lắm lúc nghèo luôn cả nụ cười vì mỗi lần chạy thận xong về chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhận được sự quan tâm thấy ấm áp vô cùng”.
Còn anh Nguyễn Hữu Sơn (34 tuổi, chạy thận đã 10 năm) thì thấy những ngày này quá đỗi đặc biệt: “Chúng tôi may mắn khi được ở đây trong những ngày này. Cơm thì đã có căng tin bệnh viện. Tắm giặt thì có nóng lạnh của nhà trường. Vậy là tạm ổn cho cuộc sống rồi. Đời tôi mang ơn các y bác sĩ lắm. Không có họ làm sao tôi sống được đến bây giờ”.
Tổ Covid-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà
Tới nay, huyện Cẩm Giàng đã thành lập 764 tổ Covid-19 cộng đồng với 1.537 thành viên, nhiệm vụ của họ là đi từng ngõ, gõ từng nhà, để tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tổ Covid-19 còn thường xuyên theo dõi, giám sát ai có biểu hiện ho, sốt để báo lại cho cán bộ y tế ngay lập tức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Không ít các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đã được phát hiện thông qua việc sàng lọc như vậy.
Tại thôn Đào Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng) có 420 hộ dân, đều đặn ngày 3 lần, dấu chân của những người trong tổ Covid-19 cộng đồng vẫn in khắp các con đường, ngõ nhỏ. Cũng nhờ được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, mỗi người dân đều ý thức phòng dịch, đã có một vài trường hợp cúm, ho, đều khai báo để lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức.
Dù đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Quang Huy (Bí thư chi bộ thôn Thu Lãn, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng) vẫn tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
“Hiện thôn có 6 tổ Covid-19 cộng đồng với 12 thành viên, phụ trách 314 hộ gia đình. Khu dân cư này có rất nhiều công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, chúng tôi phải liệt kê danh sách để theo dõi, kiểm tra giấy tờ. Ngoài việc nhắc nhở từng người dân trong nhà, thăm các gia đình có biểu hiện ốm đau, tổ còn dùng loa phát thanh tuyên truyền bằng bản tin. Nhân dân đều nhận thức được việc chống dịch, thậm chí còn giám sát chéo nhau”, ông Huy cho hay.
Đánh giá vai trò quan trọng của tổ Covid-19 cộng đồng, PGS. TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư nhấn mạnh: “8 ngày tới đây là giai đoạn “phản công”, nếu còn để sót những người có biểu hiện ho, sốt thì hậu họa vô cùng lớn. Tổ Covid-19 cộng đồng chính là vũ khí lợi hại nhất lúc này. Việc chống dịch phải dựa vào nhân dân, từng gia đình, từng người một và tổ Covid-19 cộng đồng là biện pháp chiến lược, căn cơ lâu dài cho Hải Dương”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận