Dịch bệnh vẫn đang khiến các bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ bám địa bàn… không có ngày ngơi nghỉ.
Người dân cả nước “người góp của, người góp công” cùng nhau vận động gửi đồ ăn, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế tri ân những người trên tuyến đầu chống dịch.
Ảnh minh họa: Tạ Hải
Tình cảm dồi dào nhưng cũng có những câu chuyện cười ra nước mắt. Rất cần có những điều chỉnh kịp thời.
Một cán bộ phường trong khu vực bị phong tỏa ở TP HCM cho biết, họ được bà con gửi cho rất nhiều mì và các loại nước ngọt trong khi cần nước khoáng và rau củ quả.
Vì rau củ quả có thể chuyển hỗ trợ cả người dân trong những ngày đầu lương thực khan hiếm.
Một bác sỹ đang làm việc tại bệnh viện lớn ở TP HCM tâm sự, khẩu trang vẫn rất thiếu trong khi kho khẩu trang ủng hộ còn hàng chục, thậm chí có lúc là hàng trăm thùng.
Nghe thì phi lý nhưng thực tế là bác sĩ cần khẩu trang đạt chuẩn trong khi các nhà tài trợ chỉ có thể mua hàng trôi nổi hoặc hàng không đủ tiêu chuẩn dùng trong bệnh viện (nơi có nguy cơ lây nhiễm cao).
Một nhân viên y tế tại bệnh viện hàng đầu tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên, nếu các nhà tài trợ trước khi chuyển đồ đến tham khảo cụ thể nơi được tặng cần gì thì sẽ thiết thực hơn.
Nhận được gì cũng quý, nhưng lúc này nhận những thứ không phù hợp, không dùng được chúng tôi cũng không có nguồn lực để chuyển đi cho nơi cần.
Đặc biệt là nhiệt kế, máy đo ô xy, găng tay, đồ bảo hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn, nước súc họng gửi vào các bệnh viện phải đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Chị Hà, người từng tham gia nhiều đợt quyên góp đồ gửi cho các nhân viên y tế cho biết, để việc làm trọn vẹn ý nghĩa, nhất thiết phải có người tư vấn về chất lượng hàng và kiểm chuẩn hàng trước khi gửi tặng.
Có như vậy, mới hoàn thành trách nhiệm với những người tin mình mà quyên góp tiền ủng hộ, cũng như hỗ trợ thiết thực cho những người tuyến đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận