Khám phá

Mùa hái "lộc trời ban" của người đồng bào ở Gia Lai

14/02/2024, 15:05

Tháng Chạp, tháng Giêng ấy cũng là mùa đót trổ bông khắp các bìa rừng, vào mùa này người dân vùng núi Gia Lai thi nhau hái lộc kiếm tiền.

Những ngày đầu năm mới, khi trời sắc chuyển mùa, nắng hoang hoải trên các sườn đồi ở Gia Lai đã khiến bông đót bắt đầu chuyển từ màu xanh sang sắc tím. Đót nở rộ. Đây cũng chính là mùa người dân vùng cao vào mùa hái "lộc rừng" do thiên nhiên ban tặng, giúp họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Mùa hái

Một điểm thu mua đót rồi phơi khô ven đường xã Hà Đông (Đăk Đoa). Nơi này thu mỗi ngày khoảng 300-500kg đót tươi của người dân mang tới. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Dọc con đường chúng tôi đi vào xã Hà Đông (Đăk Đoa, Gia Lai) đâu đâu cũng nhộn nhịp cảnh người dân rủ nhau lên rừng kiếm lộc. Đó là "vụ mùa" đót đổi màu xanh nõn sang màu hơi tím (hoa đót già vừa độ hái). Dù trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng, những lộc trời ấy đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là trong dịp Tết.

Thời điểm này đang vào vụ mì, nhưng dân làng mình gác lại việc thu hoạch để tranh thủ đi lấy đót. Vào đầu vụ, bà con thường thu hái đót ở khu vực ven đường, ven rẫy hay ở những con dốc gần làng. Đến khi hoa đót ở đây không còn thì lại rủ nhau đi xa hơn, mãi tít trên những quả đồi cao hoặc ở cánh rừng xa.

Mùa hái

Từ sáng sớm, chị Blăi (làng Kon Nak, Hà Đông) cùng gia đình 5 người đã trèo lên sườn đồi để hái đót để về sớm. Sau lưng chị còn có cháu bé 8 tháng tuổi. Khi gặp chúng tôi, cả gia đình này đã hái được hơn 15kg đót tươi. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Mùa đót trổ hoa rất ngắn, chỉ tháng Chạp và tháng Giêng. Vì thế nên người làng "chạy đua" với thời gian thu hái. Đây cũng là mua kiệt nên cây đót nhanh già bông và không còn giá trị kinh tế nữa. Hoa đót thu hái về và "nhập" bán cho các tiệm tạp hóa trong làng. Hoặc có các chủ vựa dựng lều bạt bên các vệ đường để thu mua bán cho các chủ lớn.

Mỗi ngày, hàng trăm người dân từ các làng Kon Mahar, Kon Pơ Dram, Kon Nak, Kon Jôt, Kon Sơ Nglok (xã Hà Đông) rủ nhau từng tốp lên rừng thu lộc về, bán cho thương lái thu mua làm chổi đót. Trung bình một buổi có người hái được 40-50 kg đót tươi, thu về 200-250 ngàn đồng chỉ trong một buổi. Còn nếu cả nhà cùng làm thì có khi lên đến tiền triệu...

Mùa hái

Mỗi năm chỉ có một mùa hoa đót nên người dân đi thu hái rất đông. Nếu chăm chỉ làm việc từ sáng đến trưa cũng được khoảng hơn 200 bó (1 bó có 9-10 cành hoa đót), bán với giá 1-1,2 ngàn đồng/bó. Nếu gặp chỗ hoa đót nở rộ, có người còn hái được 450-500 bó/ngày, thu nhập hơn 500 ngàn đồng.

Trên khắp các ngọn đồi, triền dốc ở xã Hà Đông, cây đót mọc xanh tốt um tùm, những bông đót nở tạo nên cảnh hoang hoải khắp triền đồi. Việc thu hái hoa đót từ lâu được người dân các làng Ba Na xem là thời vụ nhưng đem lại thu nhập không nhỏ.

Có thâm niên gần 14 năm thu mua hoa đót của người dân làng Kon Mahar, ông Khổng Minh Quý (Mang Yang, Gia Lai) cho biết: Hiện giá thu mua hoa đót tươi bình quân 4-5 ngàn đồng/kg, đót đẹp được bóc sạch vỏ lá có giá 7-8 ngàn đồng/kg.

Đặc biệt, vào thứ bảy hoặc chủ nhật, tiệm tạp hóa của ông thu mua gần 1 tấn đót tươi, còn ngày thường bình quân 5-6 tạ. Sau khi thu gom, ông tìm bãi để phơi. Sau khoảng 1 tuần, khi đót khô, ông thuê người đo mét rồi bó lại thành từng bó chờ thương lái đến thu gom một lượt cùng nhiều nơi khác trong xã.

Mùa hái

Bà Lên (64 tuổi, trú tại làng Kon Jôt) sau một buổi leo rừng đã vác một bó đót khoảng 7kg mang bán cho một cơ sở thu mua do anh Khổng Minh Quý (Mang Yang, Gia Lai) làm chủ. Điểm thu mua nằm ngay trên đầu đường vào trung tâm xã Hà Đông. Bà Lên cho biết, do đã già nên không còn sức leo đồi cao. Bà chỉ men bìa rừng lượm lặt các đồi đót thưa, ven bờ suối. Mỗi ngày nhiều thì khoảng trăm ngàn, ít thì vài chục, vậy là có tiền mua thức ăn. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Mùa hái

Hai chị em Linh (lớp 6, ôm bó đót) và Ren (16 tuổi) sau một ngày thu hái được 43kg đót tươi. Cả hai đều tranh thủ vụ mùa đót và thời gian nghỉ để lên rừng hái lộc rừng. Đây cũng là nguồn thu để hai chị em mua áo mới. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Mùa hái

Một chiếc xe chở đót chạy từ rừng về băng qua khu dân cư làng Kon Nak. Tại xã Hà Đông, mùa này đều rộn ràng cảnh thu hái và chở đót bán.

Mùa hái

Những đứa trẻ biến bãi phơi đót thành chỗ vui chơi. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Mùa hái

Người dân lựa, và phơi đót cho khô trước khi gom thành xe tải lớn chở ra khỏi Hà Đông để nhập vào các cơ sở làm chổi. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.