Thị trường

Mua hàng không hóa đơn, người tiêu dùng chịu thiệt

16/06/2015, 18:13

Nhiều trường hợp người bán hàng cố tình không cấp hóa đơn cho người mua để lách thuế khiến người tiêu dùng bị thiệt...

41

Việc mua bán hàng không hóa đơn đang diễn ra phổ biếntrên thị trường

Chịu thiệt vì hàng không hóa đơn

Chị Thanh Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) kể, cách đây vài ngày, trên đường đi làm về, chị ghé vào một cửa hàng rau quả tươi mua 1 kg táo Envy Mỹ với giá 230 nghìn đồng. Gọt táo ăn, chị phát hiện có ba quả bị hỏng. Hôm sau, chị mang táo hỏng tới cửa hàng đã mua để đổi, nhưng nhân viên bán hàng yêu cầu chị xuất trình hóa đơn chứng minh hàng hóa đó là của cửa hàng. “Hôm qua, cửa hàng có đưa hóa đơn bán lẻ cho tôi đâu, nhưng chẳng có gì chứng minh nên đuối lý chả cãi được”, chị Hòa than.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2014, cả nước có 4,5 triệu hộ kinh doanh. Còn theo số liệu của Tổng cục Thuế, chỉ có 3,018 triệu hộ kinh doanh, trong đó số hộ đang hoạt động là 1,6 triệu hộ, số còn lại là các hộ được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động. Tổng số thu từ các hộ kinh doanh hàng năm khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% số thu nội địa trong ngân sách.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, đường dây nóng của Hiệp hội thường xuyên nhận được phản ánh của người tiêu dùng nhờ tư vấn đòi quyền lợi khi mua hàng không hóa đơn. “Không chỉ tại những cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mà ngay cả tại đại lý, siêu thị lớn, nếu khách hàng không có hóa đơn cũng mất đi căn cứ quan trọng để khiếu kiện. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở người tiêu dùng về vấn đề này, vì mua hàng không hóa đơn, không chỉ người tiêu dùng thiệt thòi mà cơ quan thuế cũng dễ thất thu”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cũng bức xúc trước vấn nạn bán hàng không hóa đơn, tùy tiện kê hóa đơn của người bán và sự dễ dãi nói chung của người tiêu dùng về cái hóa đơn. Bà Bình An kể, nếu khách hàng không yêu cầu, hầu như không có cửa hàng, đại lý nào tự nguyện xuất hóa đơn VAT cho khách. Còn khi khách hàng “đòi”, thì rất nhiều người bán hỏi: “Thích ghi hóa đơn bao nhiêu?”

Bà An lấy một ví dụ, thứ 6 tuần trước, bà ăn trưa tại một nhà hàng ở Quảng Ninh, thanh toán xong bà yêu cầu hóa đơn thì chủ nhà hàng nói không có vì tháng này nhà hàng… nghỉ kinh doanh. Bà An kể và nói sẽ báo cơ quan thuế địa phương thì chủ nhà hàng “khoe” luôn là “cán bộ thuế đang ngồi ăn bàn bên”. Sau đó, bà An được chủ nhà hàng thỏa thuận, sẽ giảm cho 200 nghìn đồng vì không có hóa đơn.

Bất cập từ quản lý hóa đơn

Theo bà An, hiện nay các hộ kinh doanh đóng thuế theo mức khoán cố định hàng tháng, được hội đồng tư vấn thuế xã, phường xác định. Việc cấp hóa đơn cũng được căn cứ theo mức này. Nếu cửa hàng bán hàng vượt doanh thu thì sẽ phải điều chỉnh tăng mức thuế khoán với nhiều thủ tục và xem xét phức tạp nên khi đó hộ kinh doanh thường chọn “lờ” việc cung cấp hóa đơn cho người mua. “Việc quản lý hóa đơn hiện nay không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tạo kẽ hở khi người bán hàng bắt tay với cán bộ thuế để tìm cách hưởng mức thuế thấp, gây thất thu cho ngân sách”, bà An nói.

Việc thất thu thuế còn được thể hiện ở câu chuyện bà Bình An kể, một người cháu làm cán bộ thuế ở Nghệ An được trả lương 5 triệu đồng/tháng có nhiệm vụ đi thu thuế các hộ kinh doanh. Nhưng mỗi tháng cán bộ này chỉ thu được 2 triệu tiền thuế. Hiện có khoảng 9/43 nghìn nhân lực ngành thuế chỉ làm nhiệm vụ đi thu thuế hộ kinh doanh, nhưng chỉ thu được 12 nghìn tỷ mỗi năm, chiếm 2% số thu nội địa.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, vấn đề lợi dụng hóa đơn bán hàng của hộ kinh doanh, ngành chức năng đã nhìn nhận ra và có hướng giải quyết. Sắp tới, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT phải ngồi lại với nhau để “đẩy” các hộ có doanh thu lớn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Còn đối tượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ được phân loại thành các nhóm để quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.