Huế: Tiếp tục điều tiết xả lũ hồ thủy điện Bình Điền, Tả Trạch
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng.
Đồng thời, do vận hành điều tiết các hồ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh, mực nước sông Hương, sông Bồ lên mức trên báo động 3.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn trong ngày 9/10 đã khiến QL1 tại cầu vượt Thủy Dương ngập sâu cục bộ 0,2-0,6m; một số điểm tại Phong Điền, Hương Trà Phú Lộc ngập cục bộ từ 0,2-0,3m. Tại Km14 tuyến đường phía Tây TP Huế bị sạt 1/2 mặt đường.
Trên tuyến QL49A, tại Km 20+600 ngập cục bộ 0,4- 0,6m, còn tại Km 76+380 sạt ta luy dương gây tắc đường, đã thông xe. Cũng trên tuyến QL49A, Km 3+200 - Km 3+780 bị ngập 0,2 – 0,35m, Km 5+450 - Km 5+600 ngập 0,2m, Km 10+300 – Km 10+500 ngập 0,3m.Đường Hồ Chí Minh- nhánh Tây sạt ta luy dương tại Km 389+850 và Km 392+050 gây tắc đường, đã thông xe kỹ thuật.
Tại huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường bị ngập và chia cắt nhiều đoạn. Trong đó, QL49B đoạn qua các xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 1-1,2 m, đoạn qua các xã Điền Hương đến Điền Lộc bị ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,5m. Tỉnh lộ 4 từ Phong Bình đi Phong Chương đã ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,7m.
Bên cạnh đó, một số tuyến đường liên thôn tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thu, thị trấn Phong Điền bị ngập từ 0,5 - 1,5m.
Đặc biệt, từ tối 9/10, QL1 đoạn qua xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), đoạn phía Bắc thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) bị ngập gây ách tắc giao thông. Đến sáng 10/10 một số đoạn vẫn đang bị ngập khá sâu, chỉ xe ô tô gầm cao mới lưu thông qua được. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Km 656 phía Bắc ga Phò Trạch (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) cũng đang bị ngập sâu.
Tính đến sáng 10/10, toàn tỉnh có 1 nhà bị sập, 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 – 1,2m, một số nơi bị ngập cao hơn. Địa phương có nhà bị ngập nhiều nhất là thị xã Hương Trà (9.455 nhà) và các huyện Quảng Điền (6.550 nhà), Phong Điền (4.348 nhà)…
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sơ tán, di dời 2.865 hộ dân, với 8.360 người đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Phong Điền đã di dời 1.077 hộ với 2.715 người, thị xã Hương Trà đã di dời 942 hộ với 3.297 người…
Đáng chú ý, sáng 10/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có thông báo khẩn về việc vận hành điều tiết hồ thủy điện Bình Điền và hồ Tả Trạch để ứng phó với mưa lũ kéo dài.
Cụ thể, điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 500-1500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu vận hành 8h ngày 10/10 và điều chỉnh tăng dần đến khi đạt lưu lượng lớn nhất.
Đối với hồ Tả Trạch, tiếp theo Lệnh vận hành ngày 8/10, căn cứ tình hình mực nước hồ Tả Trạch lúc 4h ngày 10/10 là 38,64m, lưu lượng đến hồ 3775m3/s và bản tin dự báo tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp kéo dài đến ngày 11/10, Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 tiếp tục vận hành điều tiết hồ Tả Trạch.
Cụ thể, điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 900-1500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng lưu lượng vận hành lúc 9h ngày 10/10 và tăng dần cho đến khi đạt lưu lượng lớn nhất.
Quảng Nam: Nỗ lực thông tuyến, giao thông nhiều nơi vẫn chia cắt
Đến 11h trưa 10/10, mực nước lũ trên các sông chính ở tỉnh Quảng Nam lên nhanh. Nhiều tuyến đường vùng đồng bằng, ven biển ngập sâu trong nước. Các tuyến đường ở vùng miền núi, trung du bị sạt lở nghiêm trong. Giao thông nhiều khu vực bị tê liệt, chia cắt do ngập lụt, đất đá vùi lấp. Điển hình là các tuyến đường ĐH tại các huyện Đại Lộc, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Duy Xuyên.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đến 10h30 sáng 10/10, tuyến QL.14G đã thông xe đoạn km24+900. Riêng Km0+800-Km3+300 bị ngập tắc giao thông, hiện lực lượng Cục QLĐB 3 đã phân luồng giao thông từ Prao xuống đến Km9+150 QL14G rẽ trái đi vào ĐH.10, Hoàng Văn Thái vào TP. Đà Nẵng. Tại Km58+700 do sạt lở đất đá (3 điểm), nên vẫn còn bị ách tắc giao thông, dự kiến 45 phút nữa mới thông xe. Còn lại các tuyến đường HCM nhánh Tây, đường HCM nhánh đông, đường Trường Sơn Đông, QL1A, QL14D đã thông xe bình thường trở lại.
Tại tuyến QL.14B đã thông xe các đoạn bị tắt giao thông, một số đoạn còn bị ngập nhỏ nhưng ô tô đi qua lại được. Mưa lụt còn gây chia cắt giao thông tại tuyến QL.14E (tại chợ Bình Phục Km3+600), QL.14H (3 điểm từ Km22-Km28); ĐT.609 (5 điểm, từ Km20 Km31+300); ĐT.609B (Km8+100 và Km2+400); ĐT.611 (từ Km29-Km33). Sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục, đến nay, tuyến ĐT.606 đoạn từ Km0 đến Km45+00 đã thông xe bước 1; QL.40B, QL24C đã thông xe bình thường.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, hiện nay, mực nước tại trên sông Thu Bồn tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Thu Bồn (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) là H= 6.5m mức báo động I và đang lên rất nhanh. Mực nước tại trên sông Thu Bồn tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Ngọc Thành (phường Cẩm Phô, TP Hội An) là 1,35m, dưới báo động II là 0.15m và đang lên nhanh.
Mực nước trên sông Vu Gia tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Vu Gia (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc) là 9,3m trên mức báo động III là 0,30m và đang lên rất nhanh. Mực nước sông Trường Giang tại Trạm Quản lý ĐTNĐ Trường Giang I (xã Bình Triều, Thăng Bình) và Trạm Quản lý ĐTNĐ Trường Giang II (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) cao hơn bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận