Xã hội

Mức tham chiếu để đóng bảo hiểm ảnh hưởng tới hàng triệu người, cần đánh giá kỹ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các quy định rút bảo hiểm một lần, mức tham chiếu để đóng bảo hiểm có ảnh hưởng tới hàng triệu lao động nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đa phần ủng hộ được rút bảo hiểm một phần tối đa không quá 50%

Sáng 27/5, Quốc hội hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). 

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. 

Mức tham chiếu để đóng bảo hiểm ảnh hưởng tới hàng triệu người, cần đánh giá kỹ- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Phương án một chia người lao động thành hai nhóm. Với nhóm một, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Ở nhóm hai, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Còn ở phương án hai, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án một. Đây cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Hàng triệu người có thể ảnh hưởng, cần đánh giá kỹ tác động

Một vấn đề khác rất quan trọng, ảnh hưởng tới nhiều lao động nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau là việc Chính phủ đề xuất thay "mức lương cơ sở" bằng "mức tham chiếu" trong dự thảo luật.

Theo dự thảo, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, quỹ BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đây là nội dung mới được đặt ra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung nội dung như nguyên tắc xác định mức tham chiếu.

Đánh giá cụ thể quy định Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Cùng đó là quy định căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến "mức lương cơ sở" để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.

Mức tham chiếu để đóng bảo hiểm ảnh hưởng tới hàng triệu người, cần đánh giá kỹ- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, tập trung vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Vấn đề khác là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Theo dự thảo luật do Chính phủ trình, mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ và theo quy định của Chính phủ.

Đánh giá đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: "Cần xem xét toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau".

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.