Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào sáng 8/5 tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để đẩy nhanh sản lượng hàng hóa, chúng ta cần phải chớp cơ hội thị trường.
“Hiện nay, các cửa khẩu đã bắt đầu thông thương, chúng ta phối hợp với phía bạn để khai thác độ mở cao nhất. Đồng thời, sử dụng tốt các dạng hình thức phương tiện về logistics giao thông cả đường biển, đường bộ, quan trọng là khai thông tuyến đường sắt để đẩy nhanh sản lượng hàng hóa”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, các hiệp hội ngành hàng của chúng ta cần tập trung mời các hiệp hội ngành hàng của phía bạn, các doanh nghiệp của chúng ta phải tăng cường trao đổi với phía bạn làm sao lưu thông được thông thoáng nhất, tích cực nhất.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, đối với các doanh nghiệp, trước tiên phải tập trung rà soát lại các chi phí, từ chi phí đầu vào (nguyên, vật liệu), thứ hai là chiến lược kinh doanh của từng thị trường.
Bởi vì những thị trường chính của chúng ta như: Mỹ, Trung Quốc, EU,... đều có những đặc thù về thị trường và có những giai đoạn để khống chế dịch theo từng nước. Do đó, chúng ta cần bám sát tiến độ này để khai thác về thị trường.
“Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng vào logistics. Đây không phải là một vấn đề một ngày hay một doanh nghiệp làm được, mà phải đồng bộ ở cả ba mũi. Rà soát lại hệ thống logictis kho lạnh, kho bảo quản, những cơ chế về điện để giúp doanh nghiệp giảm được các khâu đầu vào”, ông Toản chia sẻ.
Theo ông Toản, vấn đề vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hạ tầng kết nối logistics các phương tiện container ở khu vực ĐBSCL đối với thủy hải sản hiện giải quyết 70% bằng đường thủy và 30% là đường bộ.
“Điều này (vận tải đường thủy - PV) dẫn tới việc chúng ta phải giải quyết căn cơ bài toán các cảng trung chuyển để giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, mong muốn Bộ GTVT cần có những giải pháp giảm cước phí, làm sao để bù đắp vào phần thiếu hụt cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Toản nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận