Để giảm ùn tắc hiệu quả, cần nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó cấm xây chung cư, tòa nhà văn phòng trong nội thành là cần thiết - Ảnh: Tạ Tôn |
Chuyển dịch học sinh, sinh viên ra ngoại thành
Không phải cơ sở hạ tầng hạn chế, không phải ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém mà theo quan điểm của tôi, học sinh, sinh viên (HS, SV) trên địa bàn TP là đối tượng gây tắc đường chính hiện nay. Hà Nội hiện có hơn 50 trường đại học; khoảng 30 học viện và 30 trường cao đẳng. Với số lượng như vậy và số lượng sinh viên từ khắp mọi miền đổ về, đây là nguyên nhân gián tiếp gây tắc đường.
Để ý những ngày giáp Tết, người dân đi mua sắm tấp nập đường tắc hơn mọi khi, nhưng khi các em HS, SV được nghỉ, ùn tắc giảm hẳn. Cho dù HS, SV là đối tượng chính sử dụng phương tiện công, nhưng không phải vì vậy mà bỏ qua nguyên nhân tắc đường đến từ nhóm đối tượng này.
Sau khi hoàn thành các cuộc di cư, quỹ đất dôi dư chúng ta nên chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng trung tâm thương mại hoặc công viên cây xanh, vừa đảm bảo mỹ quan TP, vừa thúc đẩy thương mại. Nghiêm cấm bán đất chia lô xây chung cư, văn phòng. |
Giải pháp ở đây tôi đưa ra là chuyển dịch cơ cấu và địa điểm trường học. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. Khi mà HS, SV phải bon chen ở Thủ đô tấp nập, mức sống cao so với các tỉnh lân cận, các huyện ngoại thành; phải xô bồ với cuộc sống bon chen nơi phố thị, chất lượng học tập liệu có đảm bảo, trong khi áp lực giao thông ngày càng tăng mạnh. Tôi kiến nghị chuyển dịch 100% các trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ra ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa chuyển về Hưng Yên; Trường Y, dược chuyển về Thái Nguyên; Xây dựng chuyển về Vĩnh Phúc; Trường Sư phạm chuyển về Bắc Ninh…
Hiện, các trường có ngành nghề đào tạo giống nhau rất nhiều, các trường có cơ sở 2 cũng nhiều. Chúng ta nên tận dụng cơ sở hạ tầng chuyển cơ sở 2 ở ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận thành cơ sở 1. Không tuyển sinh cơ sở 1, tiến đến đóng cửa cơ sở 1 ở nội thành; Đồng thời, hợp nhất các trường có chung ngành nghề đào tạo ở ngoại thành với các trường nội thành tiến tới chuyển học sinh tuyển sinh mới về ngoại thành để quy về một mối, nâng cao chất lượng đào tạo. Việc làm này sẽ giảm đáng kể lưu lượng người đổ về TP, chắc chắn ùn tắc sẽ giảm đáng kể.
Cấm xây chung cư, tòa nhà văn phòng trong nội thành
Ngoài trường học, hiện số lượng lớn người dân tập trung ở các khu chung cư các quận nội thành, các khu chung cư ngoại thành hoặc các quận vùng ven ít được để ý tới, nơi đông đúc chen lấn, nơi thì không có người ở. Đến giờ cao điểm, lưu lượng người tham gia giao thông đổ ra đường rất lớn gây ách tắc nặng nề. Các tòa nhà văn phòng cao tầng mọc lên như nấm kéo theo lượng nhân lực di chuyển từ chung cư đến công sở hàng ngày trong nội thành gây ách tắc nghiêm trọng.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn... |
Do vậy, tôi đề xuất cần nghiêm cấm xây dựng chung cư trong nội thành Hà Nội. Nhằm giảm áp lực dân số tiến tới giảm áp lực lên hệ thống giao thông; Chuyển dịch dự án xây chung cư về các quận vùng ven và các huyện vệ tinh xung quanh TP; Nghiêm cấm xây dựng tòa nhà văn phòng cao tầng (ví dụ, trên 30 tầng) để giảm áp lực dân số lên cơ sở hạ tầng hiện tại; Khuyến khích triển khai dự án xây khu văn phòng ở vùng ngoại ô, vùng ven thành phố.
Cùng đó, các cơ quan hành chính, các bộ, ban, ngành hiện tại ở Thủ đô quá nhiều, tất cả đều đổ về trung tâm, kéo theo lượng lớn cơ sở hạ tầng và nhân lực phục vụ gây lãng phí. Do vậy, cũng cần chuyển đổi, di dời các bộ, ban, ngành ra khỏi các quận nội thành trung tâm, khi đạt được mục tiêu chúng ta sẽ giải phóng một quỹ đất không hề nhỏ và lượng lớn nhân lực. TP chỉ cần một và chỉ một văn phòng đại diện của bộ chứ không phải là nơi cả một bộ máy cồng kềnh, khệ nệ với hàng nghìn con người, văn phòng, xe cộ tập trung tại trung tâm, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và giao thông.
Bến xe, bệnh viện, nhà ga cũng phải di dời
Các bến xe, bệnh viện, nhà ga là nơi tập trung đủ các thành phần xã hội. Là nơi lộn xộn và nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Người dân hiện vẫn có thói quen di chuyển về các bệnh viện Trung ương đặt tại TP gây áp lực lớn đến hệ thống khám chữa bệnh và bên cạnh đó áp lực đến hệ thống giao thông đường bộ.
Tới đây, chúng ta cần chuyển các bến xe, nhà ga về vùng ven, kết nối với các điểm buýt để di chuyển vào nội đô chứ không được để tình trạng xe khách di chuyển thẳng vào trung tâm TP như hiện nay gây mất ATGT. Tôi đề nghị hợp nhất bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm với nhau, hoặc xóa bỏ bến xe Giáp Bát. Không thể để 2 bến xe quá gần nhau như vậy. Cùng đó, nghiên cứu di dời ga Hà Nội về Thường Tín hoặc về Yên Viên, kết nối với hệ thống buýt để người dân có thể đi lại thuận tiện vào nội thành.
Liên quan đến các bệnh viện, tôi đề xuất mỗi quận chỉ cần 1 bệnh viện với các thành phố lớn đô thị loại I. Các bệnh viện cần được chuyển vị trí. Hiện nay, một số bệnh viện Trung ương đã triển khai xây cơ sở 2. Do đó, cần chuyển cơ sở 2 thành cơ sở chính tiến đến xóa bỏ cơ sở 1. Nếu bệnh viện nào chưa có, tiến tới xây dựng cơ sở 2 ở ngoại thành và dần xóa bỏ cơ sở 1. Người dân cần nơi yên tĩnh để chữa bệnh, chứ không phải chen lấn ở thành phố.
Đặng Tùng Giang
(dangtunggiang199 @gmail.com)
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận