Thời sự Quốc tế

Mỹ cấm nhập dầu mỏ Nga, giá xăng dầu tại Mỹ lập tức phá kỷ lục

09/03/2022, 06:54

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Mỹ cấm nhập khẩu bất chấp Nga cảnh báo hậu quả khủng khiếp

"Ngày hôm nay, tôi thông báo Mỹ sẽ nhắm tới huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu tất cả dầu mỏ và khí đốt Nga. Đồng nghĩa dầu mỏ Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ", theo thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Mỹ không phải là quốc gia mua dầu hàng đầu của Nga, chỉ khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu theo số liệu năm 2021.

Nhưng các đồng minh của nước này phải chịu sức ép rất lớn để có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - TASS

Chỉ trước khi Mỹ công bố lệnh cấm 1 ngày, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả "khủng khiếp" đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức chưa từng có tiền lệ, khoảng 300 USD/thùng.

Ông Novak chỉ ra Nga không phụ thuộc vào thị trường châu Âu nên có thể bán cho đơn vị khác nhưng châu Âu sẽ khó tìm nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẽ thực hiện động thái trên đơn phương vì các đồng minh trong Liên minh châu Âu không tham gia lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga.

Tác động ngay lập tức

Với thế giới, nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động từ chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu giữa lúc thế giới đang thiếu hụt nguồn cung và giá cả đã leo thang do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Riêng tại Mỹ, thời gian gần đây, giá xăng đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Ngay trong ngày 8/3, sau khi Tổng thống Mỹ công bố lệnh trừng phạt, giá xăng dầu tại Mỹ tiếp tục vọt lên đến mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (3,78 lít).

Đây là mức tăng được nhận định có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, tiếp tục đẩy lạm phát lên cao, ảnh hưởng đáng kể tới đời sống của người dân Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược hiện có khoảng 727 triệu lít dầu nhưng theo giới chuyên gia, động thái này không thể hạ nhiệt giá xăng dầu ngay lập tức.

Trong thời gian tới, chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch dàm phán để tăng nguồn cung dầu từ các nước sản xuất dầu lớn như Venezuela, Iran và Saudi Arabia.

Hơn hai năm qua, nhiều công ty hóa dầu phải cắt giảm sản lượng sản xuất do các nền kinh tế đóng cửa và đến nay vẫn chưa thể trở lại sản xuất ở mức như trước đại dịch.

Theo tờ Wall Street Journal, kể từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng dầu khí trên thị trường toàn cầu giảm khoảng 1 triệu thùng/ ngày trong đó, Mỹ chỉ sản xuất khoảng 19 triệu thùng dầu tinh chế/ ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.