Hãng New York Times dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết tháng 2 vừa qua, Airlines for America - nhóm vận động hành lang trong ngành công nghiệp hàng không Mỹ đã có buổi trình bày tại Quốc hội Mỹ.
Nhóm này phàn nàn rằng các hãng hàng không nước ngoài được sử dụng không phận Nga trong các chuyến bay tới và đi từ Mỹ đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các hãng hàng không Mỹ tại một số thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ.
Nguyên nhân là bởi sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã cấm máy bay Nga bay qua không phận. Nhằm đáp trả, Nga cũng tuyên bố đóng không phận với các các hãng bay của Mỹ và nhiều nước phương Tây.
Máy bay của hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines. Ảnh - Getty
Theo Airlines for America, lệnh cấm đã buộc các hãng hàng không Mỹ phải chuyển sang bay theo lộ trình dài hơn. Do đó, họ phải điều chỉnh lộ trình chuyến bay qua Thái Bình Dương nhằm đảm bảo có nơi hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp, giảm số lượng hành khách, hàng hóa chuyên chở để giảm chi phí.
Ngoài ra, các hãng bay Mỹ cũng buộc phải tạm dừng mở những tuyến bay mới tới Mumbai, Tokyo, Seoul cùng nhiều thành phố khác.
Airlines for America ước tính các hãng bay Mỹ có thể tổn thất 2 tỷ USD/năm khi để mất thị phần trên thị trường vào tay đối thủ.
Một nguồn tin cho hay trong quá trình khai thác tuyến bay từ New Delhi tới New York City, hãng hàng không American Airlines đã 19 lần buộc phải tạm dừng chuyến bay trong khoảng 1,5 giờ tại thành phố Bangor, bang Maine.
Nguyên nhân những lần buộc phải hạ cánh máy bay xuống bang Maine là do gió mạnh, điều kiện thời tiết xấu dẫn tới nguồn cung nhiên liệu gần cạn, thành viên tổ bay hết ca làm việc, khiến hành khách bị trễ lịch trình.
Thậm chí, một nguồn tin cho biết, American Airlines phải để lại hàng chục ghế trống trên các chuyến bay này nhằm giảm trọng lượng máy bay để tiết kiệm nhiên liệu, giúp máy bay có thể di chuyển quãng đường xa hơn.
Trong khi đó, theo các hãng hàng không Mỹ, những hãng bay nước ngoài không bị cấm bay qua không phận Nga như Air India (hãng bay của Ấn Độ), Emirates (UAE) và China Eastern Airlines (Trung Quốc) có thể tiếp tục khai thác những tuyến bay ngắn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Yêu cầu các hãng bay nước ngoài phải khai thác đường bay giống với hàng không Mỹ
Do đó, theo Airlines for America, các hãng bay Mỹ đang để mất khách hàng vào tay các hãng bay nước ngoài - những đơn vị có thể khai thác tuyến bay giữa Mỹ và châu Á với giá vé thấp hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn.
Do đó, họ đề nghị Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ buộc các hãng bay vẫn được khai thác không phận Nga phải chịu những hạn chế tương tự như với những hãng bay Mỹ, tức là yêu cầu các hãng bay nước ngoài phải khai thác đường bay giống với hàng không Mỹ khi vận hành chuyến bay tới và đi từ Mỹ.
Cụ thể, bà Marli Collier, phát ngôn viên Airlines for America cho rằng Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nên thực hiện biện pháp nhằm đảm bảo các hãng bay nước ngoài bay qua không phận Nga sẽ không được phép cất cánh, hạ cánh hay trung chuyển qua các sân bay tại Mỹ.
Theo các nguồn tin, sau khi nhận được đề xuất từ các hãng hàng không Mỹ, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đang cân nhắc ra lệnh cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay qua không phận Nga khi thực hiện chuyến bay tới Mỹ.
Dự thảo lệnh cấm đã được trình lên nhóm quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden, bao gồm các thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và đang được xem xét trong tuần này cùng với một số đề xuất chính sách khác.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ từ chối phản hồi trước thông tin trên. Đại diện các hãng bay Air India, Emirates và China Eastern chưa phản hồi trước thông tin trên.
Bên cạnh đó, Airlines for America cùng một số hãng bay Mỹ khác cũng nhấn mạnh những lo ngại về an toàn đối với công dân Mỹ khi bay qua không phận Nga, kể cả trên chuyến bay do hãng hàng không nước ngoài vận hành.
Airlines for America nhắc tới trường hợp máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine vào năm 2014, khiến 298 người thiệt mạng.
Đến nay, Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng Nga và phe ly khai ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc.
Về phần mình, Nga luôn phủ nhận liên quan tới vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi cũng như phủ nhận mọi sự hiện diện tại Ukraine vào thời điểm năm 2014. Moscow cũng cho rằng máy bay của Malaysia Airlines bị trúng tên lửa được phóng từ khu vực do chính quyền Ukraine kiểm soát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận