Thực trạng này thể hiện rõ qua tuyến bay từ Helsinki (Phần Lan) tới Tokyo (Nhật Bản) của Hãng hàng không quốc gia Phần Lan - Finnair.
Chuyến bay của hãng Finnair từ Helsinki (Phần Lan) tới Tokyo (Nhật Bản) trước và sau khi Nga đóng không phận. Đường đỏ là tuyến mới; đường xám là tuyến cũ. Ảnh: FlightRadar24
Mất thêm 4 tiếng, tốn thêm 40% nhiên liệu
Trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, để di chuyển từ Helsinki tới sân bay Narita (Nhật Bản), máy bay của hãng hàng không quốc gia Phần Lan có thể bay dễ dàng với 2 lần di chuyển qua không phận Nga. Thời gian di chuyển chưa đến 9 giờ, trên quãng đường 5.000 dặm (khoảng 8.000km)
Chuyến bay gần nhất theo lộ trình này là từ ngày 26/2.
Ngay ngày hôm sau, Nga cấm Phần Lan sử dụng không phận của nước này để phản ứng lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Điều đó buộc Finnair phải tạm thời hủy gần hết các chuyến bay có điểm đến tại châu Á bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.
Trước tình hình này, Phần Lan phải thay đổi phương án, chọn tuyến bay qua Bắc Cực. Thay vì đi theo hướng Đông Nam vào không phận Nga, máy bay sẽ khởi hành từ Helsinki, đi thẳng về phía Bắc, hướng đến bán đảo Svalbard của Na Uy, đi qua Bắc Cực và Alaska.
Sau đó, máy bay sẽ di chuyển qua Thái Bình Dương, hướng tới Nhật Bản, né không phận Nga một cách cẩn trọng.
Với đường bay lòng vòng như vậy, hành trình bị kéo dài thêm 4 tiếng, trải dài trên 8.000 dặm (khoảng 12.000km) và tốn thêm 40% nhiên liệu.
Núi việc để thiết kế đường bay khẩn cấp
Finnair đang sử dụng máy bay A350 để bay qua Bắc Cực vì dòng này có khả năng chịu lạnh tốt
Finnair đã bắt đầu bay theo phương án này từ ngày 9/3. Như vậy, họ đã thiết kế lại một trong những tuyến bay dài nhất chỉ trong hơn 1 tuần.
Giải thích về quá trình trên, ông Riku Kohvakka, nhà quản lý phụ trách hoạch định tuyến bay của Finnair cho biết, tất cả các hãng hàng không lớn đều có hệ thống lên kế hoạch chuyến bay trên máy tính. Họ sẽ sử dụng hệ thống đó để hoạch định tuyến hoặc thay đổi. Kế đó, họ sẽ tính toán cụ thể tuyến bay mới như thế nào, cần bao nhiêu nhiên liệu…
Sau đó, các hãng sử dụng dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu cùng với các loại phí khác để ước tính chi phí chuyến bay.
Ngoài ra, họ còn phải kiểm tra địa hình nơi máy bay đi qua. Chẳng hạn như trên tuyến có khu vực nào địa hình núi cao, có cần kế hoạch đặc biệt phòng trường hợp bị mất một động cơ hay không...
Thời lượng chuyến đi dài hơn sẽ khiến chuyến bay bị giảm hiệu quả kinh tế. Do đó, các hãng sẽ phải kết hợp chở khách hạng cao cấp và vận tải lượng lớn hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu vận tải hành khách giữa các tuyến này vẫn tương đối thấp. Tôi nghĩ, đây sẽ là chiến lược được áp dụng rộng rãi.
Ông Jonas Murby, Nhà phân tích hàng không, Công ty Aerodynamic Advisory
Khi tuyến mới được thông qua, hãng sẽ tập trung chuẩn bị thiết bị hỗ trợ máy bay, quy trình, quy định liên quan.
Chẳng hạn như chuẩn bị tiêu chuẩn hiệu suất vận hành động cơ đôi dải rộng (ETOPS) - một loại tiêu chuẩn được áp dụng từ những năm 50 của thế kỷ trước.
ETOPS là điều luật của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng. Khoảng thời gian này cần phải đủ để bay tới sân bay gần nhất.
“Chúng tôi cần phải chuẩn bị sẵn phương án sân bay phù hợp để có thể chuyển hướng khẩn cấp trong khoảng thời gian giới hạn nếu có sự cố xảy ra”, ông Kohvakka cho biết.
Ban đầu, quy định này giới hạn trong 60 phút nhưng tùy theo độ tin cậy của máy bay, thời gian dần dần được gia hạn.
Trước đây, Finnair vận hành theo quy định ETOPS 180, đồng nghĩa máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm 3 tiếng nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng.
Tuy nhiên, tuyến đường theo hướng Bắc Cực sẽ đi qua vùng có ít sân bay và các sân bay cách xa nhau. Do đó, hãng phải áp dụng một quy trình mở rộng lên 300 phút trong khi vẫn phải đáp ứng tất cả các quy định quốc tế và quy trình an toàn khác.
Thực chất, các hãng hàng không cũng hay gặp phải trường hợp đóng không phận, chẳng hạn như có sự kiện phóng tàu vũ trụ, tập trận quân sự hay trong các cuộc xung đột trước đó tại Afghanistan, Syria và Pakistan.
Hơn nữa, trước đây, Finnair cũng giống như nhiều hãng hàng không khác của châu Âu hoàn toàn không bay qua không phận Liên Xô ở thời điểm Liên bang Xô viết chưa tan rã. Khi bắt đầu vận hành tuyến bay tới Tokyo, họ cũng bay qua Bắc Cực và Alaska.
“Do đó, tuyến bay này không hoàn toàn mới với chúng tôi”, ông Kohvakka cho biết.
Một chuyến bay có tới 4 phi công
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là tuyến bay mới sẽ làm tăng lượng tiêu thụ nhiên liệu lên khoảng 20 tấn (tương đương 40%), đặt ra thách thức không nhỏ về tài chính và môi trường.
Để giải quyết, Finnair ưu tiên vận tải hàng hóa và giới hạn sức chứa khách chỉ còn khoảng 50 ghế (trong khi một chiếc Airbus A350 thường dùng cho tuyến này có thể chở tới 330 khách). Một phần cũng do nhu cầu vận tải hàng hóa hiện lớn hơn vận tải khách.
“Hơn nữa, thời gian bay kéo dài lên 4 giờ đồng nghĩa hãng phải bố trí tới 4 phi công thay vì 3 như trước”, ông Aleksi Kuosmanen, một lãnh đạo quản lý phi công và cũng là cơ trưởng trên các chuyến bay mới này cho biết.
Để tạo thiện cảm cho hành khách xua đi cảm giác mệt mỏi vì phải chịu thêm vài tiếng bay nữa, Finnair đã tặng hình dán và giấy chứng nhận hành khách đã bay qua Bắc Cực. Theo ghi nhận ban đầu, hành khách rất thích thú khi được trải nghiệm tuyến bay mới.
Theo vị cơ trưởng, họ sẽ phải nghĩ tới vấn đề thời tiết lạnh đầu tiên. Thực tế, cũng có nhiều khu vực có khối không khí lạnh ở tầm cao nhưng các phi công đã quen với điều kiện này khi bay qua các tuyến phía Bắc, qua không phận Nga.
Một vấn đề khác có thể là nhiệt độ nhiên liệu bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh. Song máy bay A350 có khả năng chống chịu trước không khí lạnh rất tốt.
Còn có một số vấn đề nhỏ như hệ thống liên lạc vệ tinh không bao phủ toàn bộ khu vực Bắc Cực nên phi hành đoàn phải dùng đến hệ thống vô tuyến truyền thanh tần số cao - công nghệ gần 100 năm tuổi, để liên lạc.
Cho đến nay, ngoài Finnair, Japan Airlines là hãng duy nhất đang sử dụng tuyến Bắc Cực cho đường bay từ châu Âu tới Nhật Bản.
Theo đó, tuyến bay từ London (Anh quốc) tới Tokyo đang phải bay qua Alaska, Canada, Greenland và Iceland, làm tăng thời gian bay trung bình từ 12 giờ lên 14,5 giờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận