Thời sự Quốc tế

Mỹ cáo buộc truyền hình RT của Nga ngầm can thiệp bầu cử Tổng thống

05/09/2024, 09:41

Ngày 4/9 (giờ địa phương), Mỹ đã công bố bản cáo trạng cáo buộc rửa tiền đối với 2 nhân viên thuộc mạng lưới truyền hình Nga - RT có liên quan đến kế hoạch sản xuất các nội dung trực tuyến gây ảnh hưởng đến bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.

Thêm lệnh trừng phạt

Trong bản cáo trạng công bố hôm 4/9, các công tố viên Mỹ cho biết, hai nhân viên Konstantin Kalashnikov và Elena Afanasyeva của RT được cho là đã tài trợ và chỉ đạo một công ty có trụ sở tại bang Tennessee phát hành các video tiếng Anh trên nhiều nền tảng truyền thông nhằm khuếch đại những chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ.

Mỹ cáo buộc truyền hình RT của Nga ngầm can thiệp bầu cử Tổng thống- Ảnh 1.

Ảnh minh họa mạng lưới truyền thông nhà nước Nga - RT.

Bản cáo trạng cho biết thêm, chỉ tính riêng trên nền tảng YouTube, những video này thu hút 16 triệu lượt xem.

Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI Christopher Wray khẳng định: "Đây là nỗ lực nhằm lừa người dân Mỹ tiếp nhận nội dung tuyên truyền của nước ngoài".

Việc sản xuất các video nêu bật những chia rẽ chính trị-xã hội ở Mỹ không bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp tuyên bố rằng, Kalashnikov và Afanasyeva đã vi phạm pháp luật khi không đăng ký với tư cách là một đơn vị nước ngoài.

Hãng tin RT cho hay, hai nhân viên có thể phải đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù vì vi phạm Đạo luật Đăng ký Tư cách Nước ngoài và 20 năm tù vì tội rửa tiền. Tuy nhiên, việc xét xử khá phức tạp vì Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Nga.

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố các hành động trừng phạt nhắm vào 4 quan chức cấp cao của RT, bao gồm cả nữ Tổng biên tập Margarita Simonovna Simonyan.

Các quan chức Mỹ  cho rằng, mục tiêu của Nga là làm trầm trọng hóa những chia rẽ chính trị của Mỹ, gây suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với viện trợ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt phá vỡ các nỗ lực của Nga và Iran, cũng như Trung Quốc hay bất kỳ thế lực nước ngoài nào khác có ý định can thiệp vào bầu cử, phá hoại nền dân chủ của chúng tôi", Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland khẳng định.

Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI cũng đề xuất tòa án tịch thu 32 tên miền Internet nghi vấn được Nga sử dụng trong kế hoạch gây ảnh hưởng ra nước ngoài.

Trước đó Nhà Trắng cũng công khai cáo buộc Nga đang liên tục tìm cách tác động đến cuộc bầu cử năm 2024 thông qua phương tiện truyền thông do Điện Kremlin điều hành để phát tán cái gọi là thông tin sai lệch, trong đó chủ ý nhắm đến hãng tin RT.

RT phản pháo

Đáp trả lại những cáo buộc trên, nữ Tổng biên tập hãng tin RT chế giễu các tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh, Mỹ đã cáo buộc RT can thiệp vào chính trị Mỹ trong liên tiếp 3 cuộc bầu cử gần đây.

Trên nền tảng Telegram, hãng RT cũng đăng tải một lá thư đầy ẩn ý, trong đó gọi cáo buộc từ Mỹ là "những lời sáo rỗng cũ rích". 

"Có ba điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống: cái chết, thuế và 'việc RT can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ", theo nội dung thư. 

Mặt khác, Chính phủ Nga chưa bình luận về thông tin. Chính quyền Nga đã nhiều lần tuyên bố không can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ.

Mỹ cáo buộc truyền hình RT của Nga ngầm can thiệp bầu cử Tổng thống- Ảnh 2.

Mỹ liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống. (Ảnh: Reuters)

Trao đổi với hãng tin Reuters, Nghị sĩ Maria Butina cho biết, Moscow không quá đề cao tầm quan trọng của việc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump hay ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris thắng cuộc bầu cử năm 2024.

Trong các chiến dịch năm 2016 và 2020, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ liên tục tuyên bố Moscow đang phát tán tin tặc và sử dụng chiến tranh thông tin để xoay chuyển phiếu bầu có lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump. 

Đặc biệt vào năm 2017, các cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố RT đã giúp ông Trump bằng cách xuất bản nhiều bài viết tiêu cực về ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, cũng như chỉ trích giới chính trị tham nhũng của Mỹ.

Hãng tin RT cho biết, những cáo buộc trên, cùng với những tuyên bố về việc ông Trump đã thông đồng với Moscow để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, là cơ sở để Công tố viên đặc biệt Robert Mueller thực hiện cuộc điều tra kéo dài 2 năm nhưng cuối cùng đã bị phát hiện là vô căn cứ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.