Thời sự Quốc tế

Mỹ - Philippines có thể thực hiện một động thái khiến Bắc Kinh tức giận

05/12/2022, 13:47

Khả năng Mỹ quay trở lại căn cứ quân sự ở vịnh Subic của Philippines sau 30 năm có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông.

Việc Mỹ trở lại căn cứ quân sự tại vịnh Subic của Philippines sau 30 năm có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông.

Tháng trước, xuất hiện một số thông tin về việc vịnh Subic đang được xem xét làm một trong những địa điểm căn cứ quân sự mới theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường giữa Mỹ và Philippines (EDCA). Thỏa thuận này cho phép Mỹ xây dựng, vận hành cơ sở bên trong căn cứ quân sự của Philippines và luân chuyển binh sĩ tại các căn cứ này.

Mỹ và Philippines ký Thỏa thuận EDCA vào năm 2014 nhưng việc triển khai thỏa thuận bị đình trệ dưới thời cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong bối cảnh ông Duterte thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Philippines đương nhiệm Ferdinand Marcos Jnr đang thúc đẩy việc triển khai thỏa thuận này. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Philippines thông báo Philippines đang phối hợp cùng Mỹ đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án thuộc thỏa thuận EDCA tại các căn cứ quân sự hiện hành cũng như cân nhắc các địa điểm lập căn cứ mới.

img

Hình ảnh chụp vịnh Subic của Philippines vào năm 1996, không lâu sau khi binh sĩ Mỹ rút khởi căn cứ quân sự tại đây. Ảnh - AFP

Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines - Trung tướng Bartolome Vicente Bacarro cho biết phía Mỹ đang cân nhắc lập 5 căn cứ quân sự mới. Một số thông tin cho hay vịnh Subic là 1 trong số 5 địa điểm này.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Manila có thể đẩy nhanh quá trình chấp thuận cho Mỹ lập thêm các căn cứ quân sự mới theo thỏa thuận EDCA và chính thức xác nhận các địa điểm này vào đầu tháng 12 hoặc tháng 1/2023.

Ông Koh cũng nhận định việc binh sĩ Mỹ quay trở lại vịnh Subic có thể khiến Bắc Kinh tức giận bởi động thái đó đồng nghĩa sẽ cho phép Mỹ tăng cường giám sát các tuyến hàng hải quan trọng gần đó, bao gồm Eo biển Ba Sĩ chiến lược - nằm giữa đảo Y'Ami ở cực bắc Philippines và đảo Orchid của Đài Loan.

Ông Koh cho rằng việc quân đội Mỹ quay trở lại vịnh Subic cũng cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tham gia nhiều cuộc tập trận chung hơn như cuộc tập trận hàng năm Balikatan giữa Mỹ và Philippines.

Trước đây, binh sĩ Australia cũng từng tham gia tập trận chung Balikatan. Australia và Mỹ đều có Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Philippines, cho phép binh sĩ của các quốc gia này đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Philippines.

Một số thông tin cho biết đồng minh của Mỹ là Nhật Bản cũng đang cân nhắc lập thỏa thuận tương tự với Philippines. Theo ông Aries Arugay, học giả hợp tác với Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, nếu Nhật Bản ký Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Philippines thì đây sẽ là động thái có ý nghĩa quan trọng và “khóa chặt Philippines vào hệ thống đồng minh của Mỹ”.

Nhật Bản và Philippines vốn có quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ. Năm 2013, Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác hàng hải với Philippines trong tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines với Trung Quốc.

Theo ông Arugay, dựa trên quy mô và vị trí địa lý quan trọng của vịnh Subic, khả năng quân đội Mỹ quay trở lại căn cứ hải quân cũ này tại Philippines là điều dễ hiểu.

Đồng quan điểm trên, ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington, cho rằng động thái Mỹ và Philippines cân nhắc mở rộng số lượng căn cứ quân sự trong khuôn khổ thỏa thuận EDCA cho thấy việc Trung Quốc gia tăng gây áp lực trong khu vực đã khiến Philippines lựa chọn hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Poling cũng cho rằng nếu khôi phục hoạt động tại vịnh Subic thì căn cứ này sẽ nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của Philippines. Bất cứ hoạt động tập trận chung hoặc đồn trú luân phiên binh sĩ Mỹ tại căn cứ này đều phải được Manila chấp thuận.

Vịnh Subic từng là nơi đặt căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài. Tuy nhiên, Quốc hội Philippines đã bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng thuê căn cứ sau Chiến tranh Lạnh, dẫn tới việc binh sĩ Mỹ rút khỏi cơ sở vào năm 1992.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.