Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã từ chối điều tàu chiến tham gia sự kiện này.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Khâu Diên Bằng cho biết, sự kiện lớn đặc biệt này có thể được đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát.
Với sự tham gia của hàng chục tàu quân sự, 39 máy bay chiến đấu thuộc biên chế Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cùng gần 20 tàu nước ngoài từ 10 quốc gia, hạm đội hỗn hợp này sẽ diễu hành ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Ông Khâu cũng thông báo rằng, sự kiện này sẽ có sự tham gia của các loại tàu ngầm hạt nhân mới, các loại tàu khu trục tối tân của Bắc Kinh, trong đó một số tàu chiến được giới thiệu lần đầu tiên.
Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự cho biết, tàu sân bay đầu tiên do Bắc Kinh tự chế tạo có tên Type 001A khó có thể tham gia cuộc diễu hành hải quân đa quốc gia này.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping (ở Hong Kong) cho rằng, cuộc diễu hành lần này sẽ cho thấy hiệu quả chiến đấu của Hải quân Trung Quốc, nhưng Type 001A sẽ chưa thể góp mặt trong hoạt động này vì nó chưa sẵn sàng chiến đấu và cần phải vượt qua nhiều thử nghiệm trên biển hơn nữa để đánh giá khả năng thực chiến.
Còn chuyên gia hải quân Li Jie (tại Bắc Kinh) cho rằng, Trung Quốc đã chọn cách làm nổi bật chất lượng tàu chiến của nước này thay vì số lượng tàu tham gia cuộc diễu hành.
Theo ông Li, việc Bắc Kinh duy trì lượng tàu chiến tham gia sự kiện (khoảng 52 chiếc), chỉ nhiều hơn một chút so với sự kiện tương tự năm 2018, cho thấy đây có thể là một “hạm đội chất lượng cao”.
Dù không có Type 001A, giới quan sát quân sự nói rằng Bắc Kinh sẽ giới thiệu tàu chiến mới khác, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớn nhất châu Á Type 055, tàu tấn công đổ bộ Type 075, tàu ngầm Type 096 và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiên tiến khác.
Trong đó, tàu khu trục Type 055 sẽ là trọng tâm cho cuộc diễu hành của Hải quân Trung Quốc và có thể các nhà lãnh đạo quân sự của Bắc Kinh sẽ nhân sự kiện này chính thức đưa các tàu chiến mới vào hoạt động, ông Song nhận định.
Một số nguồn tin quân sự cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể lên tàu Type 055, biến tàu khu trục mới này trở thành tàu chỉ huy điều hành sự kiện.
Thông điệp từ Lầu Năm Góc
Dù các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sẽ cử tàu chiến tham gia sự kiện này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối lời mời tham gia từ Bắc Kinh.
Chuyên gia hải quân Ni Lexiong (từ Thượng Hải) lưu ý rằng, quyết định được thúc đẩy theo sau động thái của Lầu Năm Góc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 liên quan tới những hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Sự vắng mặt của Mỹ cho thấy Washington coi Bắc Kinh là đối thủ thực sự và đang sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc, bao gồm cả trao đổi quân sự”, ông Ni nói.
Cũng theo chuyên gia Ni, Trung Quốc có các biện pháp đối phó, như việc mời Nhật Bản, điều không xảy ra trong lần kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân nước này. Qua đó, Bắc Kinh hy vọng cải thiện quan hệ song phương với Tokyo để chống lại một nước Mỹ không thân thiện.
Ông Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách về quan hệ với Bắc Kinh, Đài Bắc và Mông Cổ cho biết, sự thay đổi trọng tâm của Lầu Năm Góc, từ xây dựng niềm tin và hiểu biết về an toàn hàng hải tới giảm thiểu rủi ro, là lý do chính khiến Mỹ không gửi tàu chiến trong sự kiện năm nay.
Ông Thompson, chuyên gia về chính sách an ninh Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ - Trung, đánh giá đây là một sự kiện mang tính chính trị và biểu tượng cao nhằm tôn vinh sự hiện đại hóa và mở rộng của Hải quân Trung Quốc, chứ không phải là một nỗ lực thực tế trong việc giảm thiểu rủi ro hoặc tăng tính minh bạch trong các hợp tác quân sự.
Đồng ý kiến, ông Patrick Cronin, Giám đốc nghiên cứu về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson nói rằng, sự bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc trong thập kỷ qua là một lý do khác khiến Washington từ chối tham gia.
“Người Mỹ chẳng mấy quan tâm tới việc điều tàu chiến đến một sự kiện của PLA, nhằm che giấu những nỗ lực khác nhau của Bắc Kinh trong việc làm cản trở tự do hàng hải và gây áp lực cưỡng chế với các nước láng giềng nhỏ hơn”, ông Cronin nhận xét.
Quân sự
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận