Hàng không

Năm 2020 đi qua để lại gì cho hàng không Việt?

31/12/2020, 16:24

Hàng không Việt Nam vẫn làm được rất nhiều việc đáng chú ý trong bối cảnh vô cùng khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

img

Dịch Covid-19 đã chấm dứt đà tăng trưởng mạnh mẽ ở mức trên 2 con số của hàng không Việt

Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm, năm 2020, thị trường hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đột ngột giảm sốc do ảnh hưởng quá nặng nề của dịch Covid-19.

Cụ thể, trước năm 2020, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ trọng vận tải hành khách qua đường hàng không tăng gấp hơn 2 lần từ mức 0,5% trong năm 2009 lên mức 1,2% trong năm 2019.

Thế nhưng, sang năm 2020, Covid-19 được ví như “một đòn trời giáng”, tạo cú sốc lớn với vận tải hàng không, khiến lượng hành khách luân chuyển toàn cầu suy giảm lớn nhất trong lịch sử. Ước tính thiệt hại gần 118,5 tỉ USD trong năm 2020 và 38,7 tỉ USD trong năm 2021. Lượng hành khách sụt giảm 60,5%, doanh thu giảm còn 191 tỉ USD, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019.

"Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng", Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu.

Tại Việt Nam, số liệu từ Cục Hàng không VN cho thấy: Năm 2020, do ảnh hưởng chưa từng thấy của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam quay đầu giảm mạnh so với các năm trước.

Sản lượng điều hành bay ước đạt 424 nghìn chuyến, giảm 548 nghìn chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, hàng không vẫn có những điểm nhấn đáng chú ý.

1.Phê duyệt giai đoạn 1 dự án "siêu sân bay" Long Thành 4,6 tỷ USD

img

Phối cảnh nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành theo mô hình hoa sen cách điệu

Hôm 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ - TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 đến 2025.

Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào sáng 5/1/2021, hạng mục rà phá bom mìn.

2.Khởi công nâng cấp đường băng, đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra tại Dự án sửa chữa nâng cấp đường băng, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài

Sáng 29/6/2020, Bộ GTVT tổ chức Lễ khởi công xây dựng các Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.031,6 tỷ đồng, được thực hiện theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất/ hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu…

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất thi công theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng (khởi công vào cuối tháng 6/2020, hoàn thành vào cuối năm 2021).

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất/ hạ cánh 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu… tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng.

3. Thị trường có thêm hãng hàng không mới Vietravel Airlines

img

Trong ngày 26/12, chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines đã cất cánh với lộ trình Hà Nội - Huế - Sài Gòn

Tối 26/12, tại TP.HCM, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (hãng hàng không Vietravel Airlines) chính thức ra mắt. Trong ngày 26/12, chuyến bay đầu tiên của Vietravel Airlines đã cất cánh với lộ trình Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Các chuyến bay thương mại phục vụ hành khách sẽ được khai thác từ tháng 1/2021.

Trước đó, ngày 3/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam.

Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, Dự án vận tải hàng không lữu hành Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) thời gian hoạt động dự án 50 năm.

Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.

4.Bamboo Airways cùng lúc mở 5 đường bay thẳng tới Côn Đảo

img

Máy bay Embraer 195 của Bamboo Airways

Sáng 29/9, chiếc máy bay Embraer 195 mang tên Con Dao National Park của Bamboo Airways đã hạ cánh tại sân bay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), chính thức khai trương 3 đường bay thẳng đến Côn Đảo từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh. Đến thời điểm này, hãng đã mở thêm 2 đường bay mới nối Côn Đảo với Thanh Hóa và Đà Nẵng. Với đường bay thẳng tiện lợi, thời gian di chuyển trung bình từ Hà Nội tới Côn Đảo được rút ngắn xuống chỉ xấp xỉ hơn 2 tiếng đồng hồ.

Khai thác đội máy bay Embraer E195, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ hạng thương gia đến Côn Đảo. Hoàn thiện trọn vẹn trải nghiệm cao cấp là hạng mục Phòng chờ Thương Gia tại Cảng hàng không Côn Đảo, được Bamboo Airways đưa vào khai thác ngay trong năm 2020, tiếp tục là hãng bay đầu tiên khai thác phòng chờ thương gia tại đây. Hành khách bay tới Côn Đảo hiện có thêm nhiều lựa chọn đa dạng về hành trình, lịch trình và mức dịch vụ với Bamboo Airways.

5.Jetstar Pacific đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines

img

Hình ảnh mới của Jetstar Pacific Airlines sau khi đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines

Hồi tháng 6/2020, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này, đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Jetstar Pacific đã tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Từ 0h00 ngày 29/7/2020, Pacific Airlines (tiền thân là Jetstar Pacific Airlines) chính thức chuyển đổi sang hệ thống đặt giữ chỗ Passenger Service System (PSS) của Sabre (Mỹ) khi triển khai lịch bay thường lệ.

Pacific Airlines cũng chuyển đổi website mới tại địa chỉ www.pacificairlines.com từ ngày 31/7/2020 để thay thế cho website www.jetstar.com theo thoả thuận ngừng hợp đồng nhượng quyền thương hiệu và sử dụng hệ thống với Jetstar Group.

Đây là một trong những thay đổi lớn trong quá trình chuyển đổi của Pacific Airlines, nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tiềm năng phát triển chiến lược thương hiệu kép Vietnam Airlines và Pacific Airlines, giúp Hãng đồng hành cùng Vietnam Airlines Group trong quá trình phát triển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Sabre là hệ thống đặt giữ chỗ đã được Vietnam Airlines sử dụng hơn một thập kỷ qua. Việc Pacific Airlines chuyển đổi sang hệ thống này sẽ giúp cả hai hãng hàng không hưởng lợi từ một nền tảng công nghệ tích hợp chung, giúp cải thiện hiệu quả vận hành đồng thời mang lại sự thuận tiện cho hành khách.

6.Năm của những chuyến bay giải cứu

img

Chuyến bay đặc biệt đưa 219 công dân Việt Nam trở về từ Guinea Xích đạo

Đúng 5h04 phút sáng 10/2, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước đã hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, mở đầu cho hàng trăm chuyến bay giải cứu khác được cả 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways cùng thực hiện.

Một trong những chuyến bay đặc biệt nhất năm là chuyến bay chở 219 người Việt về từ Guinea Xích đạo về Nội Bài hôm 29/7 với thông tin ban đầu có tới 140 người dương tính với Covid-19, trong đó có 5 bệnh nhân nặng.

Toàn bộ phi hành đoàn và nội thất chiếc máy bay Airbus 350 được bảo hộ y tế đặc chủng, với yêu cầu dịch tễ cao nhất. Đây là chuyến bay chưa từng có của Việt Nam trên hành trình Hà Nội - Guinea Xích đạo - Hà Nội kéo dài gần 30 tiếng đồng hồ.

Chuyến bay được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay. Toàn bộ khoang khách sẽ được chia làm 3 khu vực, ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC. Trong đó khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế. Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay. Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc này. Các thiết bị y tế mang theo cũng được đặt tại đây.

Riêng khoang hạng phổ thông được chia làm 2. Phần phía trên dành cho các hành khách được xác định âm tính trong khi phần dưới sẽ để phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19. Cáng y tế cũng được lắp trên máy bay dự phòng trường hợp cấp cứu bệnh nhân nếu có những tình huống khẩn cấp phát sinh. Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.