Nhiều xung lực phát triển bất động sản 2022
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020 và tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ.
Riêng lĩnh vực bất động sản, đến tháng 11/2021, nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế; trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64% (1,3 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36% (0,7 triệu tỷ đồng).
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỉ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm 2022, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, đề xuất phải có các quỹ như Quỹ tín thác bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ phát triển nhà ở... sẽ là xung lực mới thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định.
"Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường, là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022", chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro đánh giá, 2022 vẫn nằm trong đà phát triển của thị trường và đang trong tiến triển thiết lập một bằng giá mới của thị trường. Với lãi suất gửi tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp, lạm phát có xu hướng leo thang, thì dòng tiền vẫn sẽ đổ về bất động sản.
Đẩy mạnh nguồn cung, giảm nguy cơ "bong bóng"
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá bất động sản tăng "phi mã", thiếu cơ sở, nhiều chuyên gia cũng lo ngại xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên học viện Tài chính nhìn nhận, đầu tư vào đất đai mà mang tính đầu cơ, kiếm lời là một trong những nguy cơ, ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế trong tương lai.
Trước đó, chia sẻ tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông. Ngoài ra là tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Lượng vốn trên thị trường có hạn, nếu đầu cơ vào đất thì một số lượng tiền lớn bị "găm" trong đất.
"Rõ ràng dòng vốn vào kinh tế nó sẽ giảm đi. Nó tạo ra sự thiếu hụt dòng vốn cho thị trường sản xuất – kinh doanh, đặc biệt gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư vào đất đai nhiều sẽ khiến giá đất bị đẩy lên cao. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn ảnh hưởng lớn tới giá bất động sản sau này.
"Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung không đáp ứng được, người ta tranh nhau mua, tranh nhau bán… làm giá bất động sản tăng. Điều này sẽ kéo theo việc nhiều người dân có nhu cầu thực và thu nhập thấp khó mua được nhà. Trong điều kiện như hiện nay sẽ tạo ra giá ảo, về lâu về dài tạo ra "bong bóng" bất động sản", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lo ngại.
Tháo gỡ lo ngại trên, Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng: Để thị trường bất động sản phát triển bền vững "điều quan trọng mà Chính phủ cần làm là hỗ trợ mở rộng nguồn cung bất động sản ra thị trường để bong bóng bất động sản và kinh tế không xảy ra. Nếu không, giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022 và ngành bất động sản sẽ trở nên khó chạm tới kể cả với người mua nhà ở, khách thuê văn phòng hay những nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp", chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận