Tài chính

Năm 2022, lãi suất ngân hàng tăng hay giảm?

30/12/2021, 06:38

Lãi suất trong năm qua được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Liệu động thái này có trở thành xu hướng năm 2022?

Lãi suất bất ngờ lên 8%

Chị Hồng Thắm (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây được nhân viên ngân hàng quen nhắn tin thông báo lãi suất tiền gửi tại ngân hàng này tại kỳ hạn 12 tháng đã tăng thêm 0,5% lên 6,3%/năm.

Đây cũng là lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này tính đến cuối tháng 12/2021.

Chị Thắm là khách hàng quen của phòng giao dịch này, số tiền gửi thường trên 200 triệu đồng nên thi thoảng vẫn có nhân viên chăm sóc gọi điện thông tin về lãi suất hay các chương trình chăm sóc khách hàng…

Nhân viên ngân hàng này cũng động viên chị Thắm nếu còn tiền nhàn rỗi hãy gửi vào ngân hàng vì cuối năm lãi suất thường cao hơn các thời điểm trong năm.

img

Lãi suất trong năm 2022 được dự báo sẽ không tăng Ảnh: Tạ Hải

Không chỉ ngân hàng nơi chị Thắm gửi tiền mà một số ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 lên 0,3 - 0,5%/năm: Techcombank, GPBank tăng 0,5% ở nhiều kỳ hạn; Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn…

Chưa kể, lãi suất huy động online còn được các ngân hàng cộng thêm 0,2 - 0,4%/năm so với gửi tiết kiệm thông thường tại quầy. VPBank thậm chí tăng lãi suất gửi tiết kiệm online thêm 0,4 - 0,8%/năm ở một số kỳ hạn…

Có một điểm đáng chú ý trong tháng 12 này là chi nhánh Ngân hàng SHB Vạn Phúc nâng lãi suất huy động cao nhất lên 8,0%/năm. Đây chỉ là trường hợp cá biệt áp dụng cho một số khách hàng đáp ứng điều kiện về số tiền gửi, kỳ hạn và điều kiện lĩnh lãi và cam kết không rút trước hạn.

Còn trên thực tế, lãi suất cơ sở tại SHB đến nay cao nhất chỉ là 6,6%/năm nằm trong gói tiết kiệm Đại Lợi, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng.

Tuy nhiên, diễn biến này đã khiến “cuộc đua” lãi suất “nóng” hơn vào nửa cuối tháng 12, vượt con số 7,1%/năm lãi suất huy động cao nhất duy trì trong mấy tháng trước.

Dự báo chỉ tăng nhẹ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, một số ngân hàng tăng lãi suất hiện nay là do nhu cầu thị trường thanh khoản chu kỳ cuối năm.

“Dư địa giảm lãi suất là rất khó vì gần như không còn dư địa giảm nữa, chưa kể ngân hàng còn rất nhiều khoản nợ cơ cấu mà khách hàng vẫn chưa có khả năng trả. Đây cũng là nguyên nhân khiến áp lực thanh khoản thời gian tới sẽ khó khăn hơn”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, đầu năm 2022, do lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp, lãi suất huy động khó có thể tăng cao hơn bởi khi lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức thấp thì ngân hàng khó tăng lãi suất huy động, do còn phải giữ biên lợi nhuận.

Nếu ngân hàng đi vay cao mà cho vay lại thấp thì không có lãi.

“Lãi suất hiện nay là thấp thật nhưng không thể nói trước là trạng thái sẽ được duy trì đến khi nào, chỉ có thể nói là dư địa hiện nay khó có thể giảm thêm được nữa. Bởi, nếu giảm nữa thì dân còn tiếp tục rút tiền. Nhưng lãi suất tăng hiện nay cũng chưa bàn đến”, ông Hùng cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, gần đây lãi suất tăng nhưng mức tăng không lớn và chỉ do một số ngân hàng quy mô nhỏ thực hiện.

Những ngân hàng này không tạo ra được làn sóng và đợt tăng lãi suất này cũng sẽ không duy trì lâu.

“Theo chu kỳ hàng năm, dịp cuối năm là thời điểm các ngân hàng chuẩn bị vốn để doanh nghiệp trả lương thưởng, vay vốn chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh năm tới, ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh cho quý I, quý II năm sau. Nhưng hiện nay thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào.

Một số ít ngân hàng tăng lãi suất đợt này chủ yếu quy mô rất nhỏ, căng thẳng thanh khoản hoặc đang huy động vốn cho các dự án bất động sản của công ty trong hệ sinh thái, công ty đối tác “ruột” có nhiều dự án triển khai ngay đầu năm tới”, vị này thông tin.

Còn tại các ngân hàng khác, nhất là 4 ngân hàng quốc doanh, lãi suất không biến động. Tại ngân hàng nơi vị Giám đốc chi nhánh nói trên công tác, lãi suất đợt này cũng vẫn được giữ nguyên, cao nhất là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

“Nếu có động thái tăng lãi suất, Ban Giám đốc đã có chủ trương và thông báo với các chi nhánh rồi. Bởi, trước mỗi đợt tăng lãi suất chúng tôi sẽ phải có chuẩn bị ít nhất 2 tuần để thông tin và tuyên truyền cho khách hàng gửi tiền, chuẩn bị các chương trình thu hút khách hàng… Nhưng hiện nay ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa có chủ trương này, trong ngân hàng vẫn không có thông tin gì về tăng lãi suất cả”, vị này nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đồng tình khi cho rằng, động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua chỉ diễn ra ở một số ít ngân hàng do tính thời vụ cuối năm và không phải xu hướng chung.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), về dài hạn, trên thị trường tài chính quốc tế, một số quốc gia đã giảm lượng mua trái phiếu và có xu hướng tăng lãi suất.

Như vậy lãi suất quốc tế tăng, lãi suất của Việt Nam cũng không thể đứng yên.

“Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn mong muốn giảm lãi suất và duy trì ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu theo xu hướng lãi suất tăng thì mức tăng chắc sẽ không đáng kể”, ông Thịnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.