Quy hoạch gắn với lợi thế sẵn có
Quy hoạch kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế địa phương dựa trên tiềm lực và tiềm năng vốn có.
Đơn cử như tỉnh Quảng Bình, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế là: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Trong khi đó, 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu kinh tế Hòn La.
3 trung tâm đô thị là: Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới, Trung tâm đô thị phía Bắc và Trung tâm đô thị phía Nam.
3 hành lang kinh tế quan trọng của Quảng Bình là: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
11 tỉnh đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch gồm: Long An, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Sóc Trăng.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã được phê duyệt quy hoạch với mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
4 ngành kinh tế trọng điểm Hà Tĩnh gồm: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ, logistics; du lịch.
Quảng Ninh cũng xác định mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học...
Địa phương thu hút đầu tư nhờ định hướng rõ ràng
Ngay sau khi được phê duyệt, các địa phương đã bắt tay ngay vào triển khai quy hoạch.
Tỉnh Quảng Bình đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị và 29 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 112.000 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã thực hiện công tác tuyên truyền, đăng tải nội dung quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân biết các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch.
Song song đó, xây dựng kế hoạch triển khai để bảo đảm sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung, lập mới các quy hoạch liên quan và cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tỉnh; tập trung thu hút đầu tư các dự án theo định hướng quy hoạch đề ra.
Quảng Ninh đã sớm bắt tay triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và Quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế.
Nhiều huyện đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch cấp huyện như: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn.
Hoàn thành quy hoạch đô thị như: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều và Móng Cái...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận