Nếu như mọi năm, đây là thời điểm người dân xếp hàng dài, chen nhau mua bằng được vài hộp bánh nướng, bánh dẻo thương hiệu nổi tiếng thì năm nay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi.
Thị trường bánh trung thu năm nay gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh. Ảnh: Tạ Hải
Hết cảnh khách xếp hàng mua bánh
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Trung Thu 2021, nhưng các góc phố, vỉa hè đã hoàn toàn vắng bóng những cửa hàng, kiot bánh trung thu rực rỡ sắc màu như mọi năm trước.
Tại cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê, Hà Nội vào một buổi chiều đầu tháng 8 âm lịch, nếu như thời điểm này mọi năm, người ta rất dễ bắt gặp cảnh khách xếp hàng dài hàng trăm mét dọc phố. Tuy nhiên, giờ mọi chuyện đã khác.
Tại đây, các loại bánh và hộp đã được sắp xếp sẵn tại quầy. Hai nhân viên bán hàng trông nhàn nhã, thỉnh thoảng lại lướt điện thoại để kiểm tra xem có đơn hàng đặt online hay không.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Phạm Hải Đăng, chủ cơ sở bánh Bảo Phương cho biết, tiệm bánh của gia đình ra đời từ năm 1954 và suốt từ đó đến nay luôn được khách hàng ưu ái nhớ đến vào mỗi dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, chưa bao giờ tiệm phải rơi vào tình cảnh như năm nay.
“Số lượng bánh đặt mua năm nay giảm đến 80%, việc bán hàng bây giờ chỉ để duy trì việc cho công nhân. Trước đây, nhiều thợ làm việc tăng ca liên tục mới đủ bánh bán thì hiện nay, lượng nhân viên giảm một nửa, chỉ còn lại 6 người cả thợ cả người nhà, lại phải làm một hôm nghỉ vài hôm. Rằm tháng Bảy là thời điểm bán hàng tốt nhất, ít cũng được hàng nghìn chiếc nhưng nay chỉ bán được vài trăm chiếc. Cả năm mới có một dịp Trung thu, nhưng với tình hình hiện tại thì không hy vọng gì”, ông Đăng nói.
Chủ thương hiệu bánh Bảo Phương cho biết, mặc dù vậy nhưng tiệm của ông vẫn cố gắng “bán được ngày nào hay ngày đó”, dù nỗi lo bất cứ lúc nào khu phố cũng có thể bị phong tỏa luôn thường trực.
Ngoài ra, tiệm vẫn phải giữ nguyên mức giá cũ từ 40.000-80.000 đồng/chiếc cho cả bánh dẻo và bánh nướng, trong khi mức giá nguyên liệu tăng 20%.
“Bán một chiếc bánh không còn lãi bao nhiêu, thậm chí có thể lỗ vì hàng bán ra không được nhiều. Mọi năm, mỗi ngày tiệm bán khoảng 100 chiếc, dịp Rằm tháng Bảy hay Trung thu thì tăng lên 1.000- 2.000 chiếc, trung bình một năm tiêu thụ khoảng 65.000 chiếc, doanh thu 2,6-5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay, với dự đoán mức tiêu thụ giảm 80%, số lượng bánh tiêu thụ chỉ còn khoảng 13.000 chiếc, doanh thu khoảng 520 triệu đến 1 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu giảm đến 4 tỷ đồng so với năm ngoái”, ông Đang cho hay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Bình Chung cũng than thở: “Chưa có năm nào thị trường bánh trung thu chật vật như năm nay. Thay vì tất bật, người chuẩn bị gói, túi, người thu tiền không ngớt tay thì nay nhân viên ngồi chầu chực mãi mới có một khách ghé mua”.
Bà Bình cho biết, hiện cơ sở chỉ còn giữ lại 7-8 công nhân, trong khi bình thường là 20 người, làm ngày đêm.
“Nguyên liệu vừa không có, vừa tăng giá. Khách muốn ăn cũng không gửi đi được. Thực sự bất khả kháng với bối cảnh hiện tại”, bà Bình nói và cho biết thêm, mức thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ đồng nếu lượng khách tiếp tục giảm, nguyên liệu sẽ hỏng hóc vì không để được đến mùa sau...
Ngoài những thương hiệu bánh Trung thu truyền thống thì nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thị trường những năm qua cũng chọn cách dừng sản xuất khi lượng mua giảm mạnh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Kao Siêu Lực, chủ chuỗi bánh ABC Bakery cho biết, năm nay công ty không sản xuất bánh trung thu.
Theo ông, do dịch bệnh phức tạp, lượng mua sẽ chẳng được bao nhiêu, hơn nữa, nhân viên phải thực hiện cách ly y tế, các cửa hàng đang tạm thời ngưng hoạt động nên sản xuất thời điểm này là thất bại.
“Chưa kể, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hạn hẹp. Người lao động đang chật vật lo từng bữa ăn nên việc mua bánh trung thu khá xa xỉ”, ông Lực nói.
Mới đây, Tập đoàn Kido cũng cho biết, với bối cảnh hiện này, công ty đã quyết định đặt sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu nên sẽ không sản xuất bánh trung thu cho mùa này.
Theo ghi nhận, đến nay, các hệ thống siêu thị lớn như; MM Mega Market, Big C… đều chưa tổ chức kinh doanh sớm mặt hàng này. Chỉ có VinMart là một trong số ít các siêu thị đã bắt đầu trang trí không gian theo chủ đề Tết Trung thu và bắt đầu bán bánh...
Loay hoay tìm kênh online
Tiệm bánh Bảo Phương không còn cảnh khách chen chân xếp hàng như mọi năm. Ảnh: Tạ Hải
Chủ thương hiệu bánh Bảo Phương cho biết, cửa hàng ông phải thay đổi phương án bán hàng online mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Theo ông Đăng, ông đã cho lập trang web, lập facebook, zalo và đăng ký các sàn thương mại điện tử để bán hàng. Trong đó, để thuận tiện giao hàng, tiệm đã liên kết với ứng dụng giao hàng tiết kiệm và sàn shopee, tuy nhiên vẫn rất hạn chế vì không phải khu vực nào cũng được đưa hàng đến, hay nhiều khu vực không tiếp cận được.
Những đơn hàng nội thành được bố trí giao trong 3h và đơn đi tỉnh khoảng 2-3 ngày.
“Nhận đơn đặt hàng xong phải dò xem khu vực nào đi được mới dám nhận đơn”, ông Đăng nói và cho biết, đây là giải pháp tình huống, tuy nhiên không kỳ vọng nhiều.
Theo ghi nhận, hiện nay, tất cả bánh Trung thu Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison Mooncake đều đã có mặt tại các kênh thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin... với các loại bánh được giới thiệu từ tầm trung đến cao cấp, có mức giá khoảng 300.000 đồng đến hàng triệu đồng/hộp.
Đa phần các dòng sản phẩm đều được đơn vị kinh doanh giới thiệu và hướng dẫn khách hàng mua sắm online.
Là đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường, Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết, sẽ mở rộng kênh phân phối sang trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi.
Đại diện Maison Mooncake cũng cho biết: “Thời điểm này, việc vận chuyển tới từng khách hàng có thể sẽ gặp khó khăn, mất thời gian do toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, một số khu vực còn bị phong tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện chính sách miễn phí vận chuyển để hỗ trợ khách hàng và đó cũng là nỗ lực tìm khách hàng trong mùa Trung thu năm nay”.
Không những các thương hiệu lớn mà những cửa hàng tiện ích cũng loay hoay tìm cách đưa bánh Trung thu lên kênh online. Chị Thủy, chủ xưởng bánh trung thu trên đường Nghĩa Tân cho biết, vì có vị trí trung tâm nên mỗi năm chị bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc bánh, nhưng năm nay thì ngưng hoàn toàn. Do đó, chị đã liên tục đăng tin lên facebook, zalo để nhờ người quen mua hộ.
“Khách mua rất ít, đơn đặt hàng cũng không có nên tôi phải tìm cách “giải phóng” 1.000 hộp bánh đã đặt với nhiều thương hiệu”, chị Thủy nói và cho biết, thời điểm này hàng năm hàng bán rất mạnh, người người mua biếu nhau, giờ ra đường cũng không được đi thì không thể bán nổi dù chỉ vài chục hộp.
Lợi nhuận vài tỷ đồng so với mục tiêu trăm tỷ
Trên thị trường chứng khoán, hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh Trung thu hiện đang niêm yết trên sàn bao gồm: Công ty CP Bibica (BBC), Công ty CP Tập đoàn KIDO (KDC), Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA).
Báo cáo kết quả kinh doanh từ các đơn vị này cho thấy, hàng năm, doanh thu mùa bánh Trung thu của các doanh nghiệp thường chiếm 20-30% cơ cấu doanh thu kinh doanh cả năm, tương ứng với mức lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm nay, KDC là doanh nghiệp duy nhất quyết định gác lại kế hoạch sản xuất bánh Trung thu sau khi mới tái khởi động vụ Trung thu đầu tiên vào năm ngoái với thương hiệu Kingdom, thu về 160 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 36 tỷ đồng… 4 doanh nghiệp còn lại đều “e dè” với kế hoạch khi sản xuất cầm chừng.
Thực tế, so với kế hoạch năm 2021, hiện BBC mới hoàn thành được 6% chỉ tiêu lợi nhuận (6 tháng đầu năm lãi ròng đạt 6 tỷ đồng, kế hoạch là 100 tỷ đồng), còn HHC chỉ ghi nhận 199 triệu đồng tiền lãi (kế hoạch đến 50 tỷ đồng).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng và phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, rõ ràng những doanh nghiệp này khó hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đã đề ra trong năm 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận