Bộn bề công việc
Công bằng mà nói, Chính phủ mới chỉ có khoảng 8 tháng để hành động trong năm 2021 này. Sau Đại hội Đảng XIII, tháng 4/2021, Chính phủ mới được thành lập. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là Chính phủ mới cho nhiệm kỳ cũ - nhiệm kỳ khóa XIV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính áo đẫm mồ hôi khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chiều 31/8/2021. Ảnh: Tạ Hải
Chỉ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV tháng 7/2021, Quốc hội mới bầu lại Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên khác của Chính phủ cho nhiệm kỳ mới.
Nghĩa là từ cuối tháng 7/2021, Chính phủ mới có được đầy đủ tính chính danh cho hoạt động của mình. Từ đó đến hết năm 2021, thời gian chỉ còn 5 tháng.
Có lẽ, ít có Chính phủ nào phải đối mặt với nhiều thách thức và với sự dồn nén công việc trong năm đầu tiên như Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Vừa điều hành nền kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh, lại vừa chỉ đạo cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Chính phủ phải đối mặt với một núi công việc.
Trong bộn bề công việc như vậy thì việc xác lập cho đúng ưu tiên là rất quan trọng. Và có vẻ như Chính phủ mới đã làm rất tốt điều này.
Khi vừa mới nhận chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận thấy nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, khó khăn nhất của Chính phủ mới là cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Để khống chế được đại dịch, quan trọng là phải tạo ra được miễn dịch cộng đồng. Để tạo ra được miễn dịch cộng đồng, thì quan trọng là phải tiêm chủng vaccine đại trà cho toàn dân.
Một chiến lược vaccine hiệu quả và toàn diện đã được Chính phủ hình thành và thúc đẩy thành công. Ba nội dung cốt lõi của chiến lược này là: Quỹ vaccine; Chiến lược ngoại giao vaccine; Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân.
Trong đó, Quỹ vaccine là công cụ để bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc mua sắm vaccine; Chiến lược ngoại giao vaccine là để bảo đảm việc tiếp cận và huy động các nguồn vaccine.
Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân là để tạo ra miễn dịch cộng đồng và để mọi người dân đều được bảo vệ chống lại Covid-19, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết quả, từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp nhất thế giới, chỉ trong hơn nửa năm điều hành của Chính phủ mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Quả thật đây là thành tựu to lớn và đáng ghi nhận nhất của Chính phủ mới.
Chuyển hướng chống dịch
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam cao kỷ lục - đạt mức 668,5 tỷ USD
Một thành tựu khác là chuyển đổi thành công mô thức phòng, chống dịch. Trong năm 2020, chúng ta đã tổ chức và tiến hành phòng, chống dịch theo mô thức “Zero Covid”.
Mô thức này đã giúp chúng ta phòng, chống dịch thành công trong năm 2020. Tuy nhiên, nó đã trở thành một vấn đề nan giải trong năm 2021.
Với biến chủng Delta, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng và sâu rộng trong cộng đồng, các giải pháp của mô thức “Zero Covid” như phong tỏa cứng, khoanh vùng rộng… không còn phát huy tác dụng.
Quả thật, tình thế đã hoàn toàn thay đổi, thế nhưng mô thức “Zero Covid” vẫn tiếp tục ngự trị. Hậu quả là với não trạng cũ và cách làm cũ, chúng ta đã không chỉ không thể đạt được trạng thái “Zero Covid”, mà còn làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ và thất nghiệp tăng cao.
Với Nghị quyết 128 của Chính phủ về mô thức phòng, chống dịch mới - mô thức sống chung an toàn với Covid-19, nhiều hệ lụy của cách chống dịch cực đoan đã từng bước được khắc phục.
Từ mức tăng trưởng -6,17% trong quý III, nền kinh tế đã dần dần phục hồi trở lại. Và cả năm 2021, đất nước ta đã có mức tăng trưởng GDP ước đạt 2,58%.
Ngoài hai thành tựu nổi bật nói trên, những phản ứng chính sách ngày càng kỹ trị hơn cũng là điều dễ cảm nhận. Điều này thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn trong phòng, chống dịch.
Việc Nghị quyết đòi hỏi các giải pháp phòng, chống dịch phải được áp dụng tương thích với mức độ nguy cơ của dịch bệnh là một ví dụ cụ thể.
Mức độ nguy cơ cũng được xác định một dựa trên các dự liệu khách quan: Số người bị nhiễm trên 1.000 dân; tỷ lệ người dân đã được tiêm chủng.
Nhờ cách tiếp cận này, tính hợp lý của các giải pháp phòng, chống dịch đã được bảo đảm. Việc cân đối giữa phòng, chống dịch và bảo tồn nền kinh tế, cũng như bảo đảm an sinh xã hội cũng đã đạt được.
Mới đây, các quy định của Bộ Y tế liên quan đến việc xác định các đối tượng được coi là F1 cũng thể hiện tính kỹ trị nhiều hơn.
Với các quy định dựa trên chứng cứ khách quan như vậy, tỷ lệ những người được coi là F1 sẽ giảm xuống tương đương với xác suất bị phơi nhiễm của họ. Hiệu quả của hoạt động phòng, chống dịch chắc chắn sẽ được nâng lên, các chi phí bất hợp lý cũng sẽ được cắt giảm.
Các thành tựu về phổ cập tiêm chủng vaccine, về chuyển đổi mô thức phòng, chống dịch từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn với Covid-19 và về sự tăng cường tính kỹ trị trong các phản ứng chính sách không phải là các thành tựu duy nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, đây có lẽ là những thành tựu đáng ghi nhận nhất. Cho dù để tái mở cửa đất nước, phục hồi nền kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững, những thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn, thì nền tảng để thành công cũng đã được xác lập.
Với những thành tựu nói trên, Chính phủ đã có những tiền đề vô cùng quan trọng để hiện thực hóa những mục tiêu to lớn hơn của mình.
Kinh tế phục hồi, xuất nhập khẩu đạt con số chưa từng có
Năm 2021, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục thiết lập “kỳ tích mới” với kim ngạch đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Đồng thời, cán cân thương mại thặng dư gần 4 tỷ USD, giữ vững “vị thế” xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Kết quả này đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Xét riêng lĩnh vực xuất khẩu, với kim ngạch đạt 336,25 tỷ USD, không những đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu thứ 22 trên thế giới.
Về tăng trưởng GDP, năm 2021 ước đạt 2,58%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Về tiêm chủng vaccine Covid-19, tính đến ngày 25/12/2021, cả nước đã tiêm trên 144,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Đến ngày 24/12/2021, số liều vaccine phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên gần 133 triệu liều, trong đó hơn 69 triệu mũi 1; hơn 61 triệu mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 97,9% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 86,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận