Vận tải

Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách là người khuyết tật

13/04/2015, 08:35

Việc nhiều CHK chưa được trang bị xe nâng là rào cản lớn để tăng cường chất lượng phục vụ hành khách.

 

man-with-disabilities-is-transferred-to-airline-se
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không VN do Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn ký gửi Bộ GTVT, hiện chỉ có ba CHK là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đang có hai đơn vị khai thác mặt đất (thuộc Tổng công ty CHK VN - ACV và Vietnam Airlines) cùng tham gia cung cấp trang thiết bị cho các hãng hàng không hỗ trợ người khuyết tật, trong đó quan trọng nhất là xe nâng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ tại ba CHK lớn nhất Việt Nam này mới không xảy ra tình trạng độc quyền cung cấp các dịch vụ mặt đất trong đó có thiết bị phục vụ hành khách khuyết tật. Hay nói cách khác, các hãng hàng không có quyền lựa chọn dịch vụ cung cấp bởi ACV hoặc của Vietnam Airlines.

Trong số 18 CHK còn lại, cũng chỉ có duy nhất hai CHK Liên Khương và Phú Quốc là được ACV trang bị xe nâng. Đại diện ACV cho biết, tại những cảng này, đơn vị khai thác sân bay giữ vai trò điều phối cung cấp thiết bị căn cứ theo thứ tự đặt lịch của các hãng hàng không.

“Chính vì thiếu đồng bộ như vậy nên rất nhiều trường hợp ở sân bay xuất phát, Vietjet thuê được dịch vụ xe nâng để phục vụ khách nhưng tại sân bay đến, đại diện Vietjet phải trực tiếp “bế, ẵm, cõng” hành khách là người khuyết tật xuống thang bộ”, Giám đốc Điều hành hãng hàng không Vietjet Lưu Đức Khánh nói.

Hiện một xe nâng chuyên dụng đưa khách trên xe lăn lên máy bay có giá trên 5 tỷ đồng nên không phải hãng hàng không nào cũng đủ khả năng hoặc muốn đầu tư để phục vụ riêng cho hoạt động của mình.

Hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất đầu tư hơn 50 tỷ đồng mua sắm các thiết bị chuyên dùng, bao gồm xe nâng phục vụ trên sân đỗ và các loại xe lăn chuyên dụng sử dụng dưới mặt đất và trên máy bay. “Đây là khoản đầu tư rất lớn chỉ nhằm mục đích phục vụ an toàn cho hành khách đi máy bay là người khuyết tật, hành khách đi lại khó khăn và bổ sung cho dịch vụ phục vụ hành khách hoàn chỉnh của hãng hàng không đầy đủ (full service). Các thiết bị này đều có cơ cấu vận hành đặc chủng nên ngoài chi phí vận hành cao thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa cũng không nhỏ”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Điều đáng nói là ngay tại các sân bay có trang bị thiết bị, việc cung cấp dịch vụ đặc biệt này không phải lúc nào cũng có đủ, nhất là trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, theo đại diện một số hãng hàng không, cơ sở vật chất phục vụ người khuyết tật tại nhiều nhà ga, sân bay còn nhiều bất cập, chưa thân thiện như không có khu vệ sinh riêng, lối đi lại riêng,… trong đó có sảnh E, Nhà ga T1 Nội Bài.

Nâng chất lượng phục vụ hành khách khuyết tật, Cục Hàng không VN vừa có chỉ thị yêu cầu ACV cần sớm xây dựng lộ trình bổ sung xe nâng phục vụ hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay tại các CHK, sân bay hiện chưa có xe nâng theo đúng quy định, báo cáo Cục trước ngày 13/4/2015.

Lãnh đạo ACV cũng được yêu cầu phải chấn chỉnh cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ phục vụ hành khách tại các cảng hàng không trong việc chủ động cung cấp thông tin về đường dây nóng, số điện thoại người có thẩm quyền cho hành khách sử dụng dịch vụ; khẩn trương rà soát, bố trí vị trí đặt thông báo đường dây nóng phù hợp, thuận tiện cho hành khách liên hệ, phản ánh, kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.