Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2022 Cục đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác an toàn vận tải khách đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
Về hoạt động quản lý nhà nước, lãnh đạo Cục đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các địa phương có liên quan nhằm tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành ĐTNĐ và bảo đảm trật tự ATGT trên ĐTNĐ, nhất là trong đảm bảo an toàn vận tải hành khách.
Cục Đường thủy nội địa VN triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vận tải hành khách. Ảnh: minh họa
Cục Đường thủy nội địa VN đã chỉ đạo các chi cục ĐTNĐ, cảng vụ ĐTNĐ khu vực tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, các cơ quan, địa phương có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các bến khách ngang sông, cảng, bến hành khách, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chở khách trên ĐTNĐ. Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Các cảng vụ và chi cục ĐTNĐ đã phối hợp với các Sở GTVT rà soát phân loại các bến thủy nội địa, đối với bến có khả năng cấp phép thì hướng dẫn các chủ bến hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để được cấp phép hoạt động. Đối với bến vi phạm hành lang bảo vệ kết cấu công trình, ảnh hưởng đến TTATGT, các đơn vị phối hợp với các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương xử lý nghiêm, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp giải tỏa.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Cục đã thực hiện 114 cuộc thanh tra, kiểm tra, phối hợp kiểm tra; Xử phạt vi phạm hành chính 932 trường hợp cảng, bến, phương tiện và thuyền viên; Số tiền xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 2,4 tỷ đồng.
Trong đó, 78 trường hợp cảng, bến vi phạm, phải xử phạt; 844 trường hợp phương tiện, thuyền viên; 10 trường hợp là các đối tượng khác. Qua thanh tra, kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 130 trường hợp, trong đó: 54 trường hợp thuộc cảng, bến, 28 trường hợp là phương tiện, thuyền viên; 48 trường hợp là các đối tượng khác.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Cục tăng cường các biện pháp về an toàn phương tiện, thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp trang bị các thiết bị điện tử (VHF, giám sát hành trình/AIS) phục vụ thông tin, liên lạc, giám sát hoạt động và làm việc từ xa; Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên, đặc biệt là đối với thuyền trưởng, máy trưởng; Tham mưu sửa đổi các quy định pháp luật về trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận