Bán 10 bát phở đã phải đóng thuế?
Ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của hộ và cá nhân kinh doanh phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) là 100 triệu đồng/năm đã áp dụng trong 10 năm qua đã trở nên lạc hậu so với tình hình thực tế.
Kinh tế, thu nhập và chi tiêu sau 10 năm đã có sự thay đổi rất lớn. Do đó, mức chịu thuế VAT với người kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần thay đổi cho phù hợp thực tế.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện lần 5 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 tới.
Dự thảo đưa ra hai phương án liên quan đến ngưỡng doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT.
Với phương án 1, hàng hóa dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không chịu thuế VAT, tăng 50 triệu đồng so với nhiều lần đề xuất trước đây.
Nếu chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu phù hợp với biến động giá và tình hình thực tế.
Với phương án 2, mức doanh thu không tính thuế VAT do Chính phủ quy định.
Như vậy, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh được Bộ Tài chính đề xuất là 200 triệu đồng/năm. Mức này tăng gấp đôi so với quy định hiện nay (100 triệu đồng/ năm).
Nếu nâng doanh thu lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất, ngưỡng doanh thu nộp thuế trung bình của hộ, cá nhân kinh doanh rơi vào khoảng 550.000 đồng/ngày.
Với mức đề xuất mới này, chị Lan Hương, chủ cửa hàng phở trên phố Nguyên Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện một bát phở có giá 40-50 nghìn đồng, trước đây chỉ 25-30 nghìn đồng. Mọi chi phí từ điện, nước, nguyên liệu đầu vào đến thuê mặt bằng... đều tăng từng năm.
Với ngưỡng doanh thu khoảng 550.000 đồng/ngày phải đóng thuế, tức là bán 10 bát phở mỗi ngày đã phải đóng thuế, chị Lan cũng muốn được khấu trừ chi phí vốn, chi phí hợp lệ chứ không dựa vào doanh thu.
Ông Nguyễn Xuyên Tùng, chủ cửa hàng tạp hóa ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho hay, với mặt hàng thiết yếu, chi phí hàng hóa rất cao, lợi nhuận thấp thì việc áp thuế không được khấu trừ đã là thiệt thòi lớn so với người làm công ăn lương được giảm trừ gia cảnh. Do đó, mức chịu thuế cần tính làm sao để họ không cảm thấy áp lực mà rời thị trường.
"Việc kinh doanh thời buổi này quá khó khăn, nên mức nào cần nghiên cứu kỹ", ông Tùng nói và kiến nghị được giảm trừ chi phí thuê mặt bằng, điện, nước.
Ngưỡng chịu thuế 300-400 triệu/năm mới phù hợp?
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cho rằng, với đặc thù hộ kinh doanh ở Việt Nam thường là hộ gia đình cùng làm, có khi 4 - 5 người hoặc hơn, ngưỡng chịu thuế nên ít nhất là 400 triệu đồng/năm mới có thể tính đúng, tính đủ và công bằng với họ vì hộ kinh doanh không được giảm trừ gia cảnh. Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh sẽ không phải nộp thuế. Còn nếu tính theo mức 300 triệu đồng thì sẽ có hơn 734.000 hộ kinh doanh được thụ hưởng.
Chia sẻ với các thương nhân, nhiều địa phương cũng đề nghị tăng mức chịu thuế VAT cho doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh.
TP Cần Thơ kiến nghị miễn thuế VAT cho doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 350 triệu đồng/năm trở xuống. Với đề xuất trên, doanh thu trên 350 triệu đồng tương ứng với mức bình quân mỗi ngày trên 972.000 đồng thì người buôn bán nhỏ mới phải nộp thuế VAT.
Chung quan điểm ngưỡng doanh thu mà người buôn bán nhỏ phải nộp thuế VAT phải đảm bảo công bằng xã hội với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị luật quy định miễn thuế VAT cho hộ, cá nhân có doanh thu dưới ngưỡng 300 triệu đồng/năm. Tức là doanh thu trên 300 triệu đồng/năm thì người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ mới phải nộp thuế VAT.
Theo tỉnh Quảng Ngãi, doanh thu là bao gồm giá vốn của hàng hóa. Với mức doanh thu và giá cả hàng hóa dịch vụ như hiện nay thì gần như tất cả hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều thuộc diện lập bộ khoán thuế. Nếu trừ giá vốn chiếm 80% doanh thu thì không đảm bảo thu nhập sống tối thiểu của hộ kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nêu bất cập trong ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT hiện hành. Ông Tuấn dẫn chứng cá nhân hiện nay làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có 1 người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Giả định trung bình mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT của cá nhân kinh doanh. Để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh phải mất các chi phí đầu vào, trong khi thu nhập cá nhân thì không có những chi phí này. Do đó, VCCI kiến nghị tính toán hợp lý hơn trong mức doanh thu chịu thuế GTGT đối với cá nhân, hộ kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận