Năm nay, Nam bộ đón nắng nóng tới sớm và khắc nghiệt hơn
Báo động tia UV cực đại
Sau khi trở về từ chuyến du lịch Phú Quốc, chị N.T.X. (Thanh Xuân, Hà Nội) phải tới ngay Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với làn da đỏ, phồng rộp. Đặc biệt, vùng da mặt và tay bị sưng nề, ngứa, bỏng rát, phồng rộp như bỏng hơi nước. Qua thăm khám, chị X. được chẩn đoán bị bỏng nắng, phải dùng thuốc bôi kết hợp uống để điều trị.
“Trước khi tắm biển, tôi vẫn thường bôi kem chống nắng, vì vậy cũng chủ quan mặc đồ cộc, đi dạo, ngắm cảnh và chụp ảnh có khi từ sáng tới quá trưa mới trở về phòng. Chỉ tới khi cảm thấy rát, da phồng rộp thì đã muộn…”, chị X. cho hay.
Trong hơn một tháng qua, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia liên tiếp đưa tin cảnh báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím (UV) và tiềm năng nhiệt. Theo đó, Đà Nẵng, Pleiku, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP HCM và Phú Quốc là những địa điểm luôn trong tình trạng có tia UV ở mức cực đại từ 9 - 11, nguy cơ gây hại rất cao tới sức khỏe.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, năm nay nắng nóng tại Nam bộ tới sớm, sau Tết đã xuất hiện nắng dữ dội, nhiệt độ thường xuyên ở mức 35 - 37 độ C, thời gian nắng nóng kéo dài 10 tiếng/ngày, dẫn tới cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
“Dù chưa phá vỡ kỷ lục 39,6 độ C vào năm 1998 song điều gây khó chịu trong những ngày vừa qua tại Nam bộ là trời quang mây, nắng bắt đầu từ 8 - 9h sáng, tới 17h chiều vẫn nóng hừng hực 34 - 35 độ C. Kèm theo đó là tia UV cũng ở mức nguy hại”, bà Lan phân tích.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia cảnh báo, đợt nắng nóng vừa qua với Nam Trung bộ và Nam bộ chỉ là “nháp đầu”.
“Cuối tháng 3 tới nửa đầu tháng 4 mới bước vào nắng nóng đỉnh điểm. Mặt trời chiếu sáng nhiều hơn, cường độ bức xạ cao hơn, nhiệt độ sẽ còn tăng lên ngưỡng 37 - 38 độ C.
Đây cũng là thời điểm chuyển từ nóng khô sang nóng ẩm, khiến người dân Nam bộ có cảm giác oi bức, ngột ngạt khó chịu hơn. Sau đợt nắng nóng đỉnh điểm, sẽ xuất hiện thời tiết cực đoan như dông lốc, vòi rồng, mưa đá...”, bà Lan phân tích.
Trước tình hình trên, bà Lan khuyến cáo người dân tránh ra đường lúc nắng gắt nhất, khoảng từ 10h - 16h, khi không cần thiết. Đáng chú ý, ngay cả khi trời râm mát cũng không có nghĩa tia cực tím sẽ ít hơn.
“Một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. Tương tự, nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng phản chiếu tia cực tím… Chỉ khi xuất hiện những đám mây khói hay còn gọi mây dông có độ dày vài km mới có khả năng cản tia UV”, bà Lan nói.
Cách bảo vệ cơ thể khỏi tia UV nguy hại
Theo BS. Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ gây mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người.
Cụ thể, tia UVA (bước sóng từ 380 - 315 nm) có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB (bước sóng 315 - 280 nm) có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da.
Do đó, chỉ số UV càng cao, nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, đặc biệt đối với trẻ em do làn da trẻ nhạy cảm hơn.
“Khi tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da”, BS. Tâm cảnh báo.
Vị bác sĩ khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như đội mũ, đeo kính râm, khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu...
“Trước khi ra ngoài phải dùng các sản phẩm chống nắng như kem, dưỡng ẩm… có chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên. Lưu ý phải thoa kỹ để che hết các vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Nếu dùng kem chống nắng kết hợp với mỹ phẩm thì thoa kem chống nắng trước, trang điểm sau. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi cũng nên thoa lại”, BS. Tâm khuyến cáo.
Ngoài ra, để giữ sức khỏe trong những ngày nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên uống đủ nước, bổ sung thêm rau củ quả tươi trong bữa ăn hàng ngày.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp, chỉ số UV 8 - 10, thời gian tiếp xúc gây bỏng là 25 phút; Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận