Tại nhà máy nước cầu đỏ, độ mặn đo được trong ngày 13/6 là 1695 mg/lít nước |
Trước thực trạng này, đơn vị đã có báo cáo gởi cấp trên vơi nội dung nước sinh hoạt của người dân khu vực TP Đà Nẵng có vị lợ do độ mặn nước sông Cầu Đỏ lên cao.
Trong 3 tháng gần đây, mặn liên tục xảy ra với tần suất ngày càng dày hơn. Trong tháng 6 này, trung bình cứ 2 ngày thì có 1 ngày nhiễm mặn. Độ mặn đo được trong ngày 13/6 là 1695 mg/lít nước. Xí nghiệp Sản xuất nước sạch phải tăng cường bơm nước ngọt từ đập dâng An Trạch hòa với nước nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ để cung cấp cho người dân thành phố.
Nắng nóng kéo dài tại Đà Nẵng khiến tình trạng nhiễm mặn trên các sông ngày càng cao, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Thực tế này đang xảy ra đối với các hộ gia đình sử dụng nước sông Cầu Đỏ. Tại đây, độ mặn cao nhất lên gần 1700 mg/lít, trong khi tiêu chuẩn của Bộ Y tế là dưới 250mg/lít.
Bà Đoàn Thị Mỹ Linh ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi bữa ăn cơm có vị lợ, canh thì mặn hơn. Bà Linh nghĩ ngay tới nguồn nước uống. Bà nhấm thử nước thủy cục thì thấy có vị mặn. Đi hỏi những người hàng xóm, ai cũng nói rằng, nước sinh hoạt có vấn đề. Trước đây, bà Linh thường phản ánh tình trạng này với người đến thu tiền nước, nhưng bây giờ tiền nước trừ vào tài khoản ngân hàng nên bà không biết kêu ai.
Hiện tại, người dân Đà Nẵng đang phải sử dụng nước lợ cho việc sinh hoạt hằng ngày. |
“Nấu nướng thì ảnh hưởng rất là nhiều. Thấy mọi người trong nhà ăn uống ít hơn bình thường, nghĩ mình nấu dở nhưng không dám lên tiếng mà thấy ăn cứ thừa. Rồi nước uống rất quan trọng, mùa nắng này uống liên tục. Mình nấu trà xanh mà nước ngon thì nấu nước chè rất là xanh, rồi nấu đậu xanh thay nước liên tục mà uống xong vẫn thấy dở”, bà Linh chia sẻ.
Nói về tình trạng nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt, anh Phạm Việt Hưng, phụ trách chất lượng, Xí nghiệp Sản xuất nước sạch, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết: Hiện tại Nhà máy nước Cầu Đỏ có 2 dây chuyền xử lý. Thứ nhất là dây chuyền lắng ngang và dây chuyền lắng la men. Cả 2 dây chuyền này đều có tác dụng làm sạch nước, trong nước chớ 2 dây chuyền này không có khả năng xử lý được độ mặn.
Anh Hưng cho biết, Nhà máy nước Cầu Đỏ mỗi ngày khai thác hàng trăm ngàn m3 nước thô để xử lý cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho TP Đà Nẵng. Nhưng nguồn nước ở sông Cầu Đỏ nhiễm mặn cao nên hoạt động sản xuất nước thô cũng gặp khó khăn.
Theo ông Phan Lưu, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng thì vị lợ của nước thủy cục không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bất tiện cho người sử dụng. Để xử lý độ mặn của nước sông Cầu Đỏ không còn cách nào khác là đóng kín cửa van tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, dùng toàn bộ nước ở đập dâng An Trạch, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ 8 cây số. Ông Lưu lo ngại đường ống dẫn nước từ An Trạch về không đủ tải để đáp ứng công suất 2.400 m3/ ngày đêm của Nhà máy nước Cầu Đỏ nên không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước trong mùa khô. Độ mặn này cứ đi theo suốt đến cuối mạng lưới, không biến mất đi được nên người dân cuối nguồn với đầu nguồn cũng giống nhau thôi.
Tình trạng nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ, thành phố Đà Nẵng còn có nguyên nhân khác là các thủy điện đầu nguồn không xả nước. Những ngày qua trời không mưa nên Thủy điện Đăkmi 4 xả nước về phía sông Vu Gia theo kiểu đối phó. Với lưu lượng xả nhỏ giọt như vậy thì nước không thể nào về đến cầu Đỏ chứ chưa nói đến đẩy mặn. Trong khi đó, phía tỉnh Quảng Nam cũng đang rất cần nước để đảm bảo sản xuất vụ Hè- Thu. Cuộc chiến giành nguồn nước tuy không diễn ra khốc liệt như những năm trước nhưng vẫn căng thẳng giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay đã có Ban chỉ đạo về phối hợp giải quyết lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, do đó giữa Quảng Nam và Đà Nẵng có gì đó cũng phải đưa ra trao đổi, bàn bạc trên cơ sở làm sao đảm bảo quyền lợi cho cả Quảng Nam với Đà Nẵng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận