Phi hành gia Mỹ (trái) và hai phi hành gia Nga bên trong khoang điều khiển của tàu vũ trụ Soyuz TMA-20M (ngày 7/9/2016) |
Cơ quan Quản lý hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đầu tháng 3 này thông báo rằng, họ đã mua hai chỗ ngồi trên tàu vận tải vũ trụ Soyuz của Nga, dự kiến sẽ khởi hành bay vào không gian hai chuyến vào cuối năm nay và đầu năm 2018.
NASA không có lựa chọn khác
NASA buộc phải mua ghế ngồi trên tàu vũ trụ Nga để thực hiện kế hoạch tăng số phi hành đoàn Mỹ trên Trạm không gian quốc tế (ISS) từ 3 lên 4 người.
NASA không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thuê dịch vụ của Nga dù thực tế quan hệ giữa chính quyền Washington và Moscow đang không mấy tốt đẹp.
Ngoài Nga ra, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có thể đảm bảo được các chuyến bay đưa người trên trạm không gian ISS sẽ diễn ra an toàn và với chi phí thấp nhất có thể.
Ngay từ bây giờ, Mỹ cũng sẽ phải có kế hoạch đặt chỗ đưa các phi hành gia lên tàu vũ trụ Soyuz vào năm 2019 nếu các chuyến bay thương mại do người Mỹ tự thực hiện lúc đó chưa được triển khai.
Mỹ phải thông qua trung gian
Để mua được chỗ trước cho các phi hành gia Mỹ lên ISS vào cuối năm 2017 và 2018, NASA phải thông qua hãng Boeing làm trung gian, nhờ công ty này thương thảo với đối tác Nga để đặt trước các chỗ trống còn lại trên tàu Soyuz trong hai chuyến bay dự kiến được phóng từ Kazakhstan vào tháng 9 năm nay và tháng 3/2018.
Các phi hành gia của Nga ban đầu được lên kế hoạch sử dụng số ghế này, nhưng cơ quan không gian của Nga, Roscosmos, hồi năm ngoái đã quyết định tạm thời giảm số lượng bổ sung trên trạm không gian từ 3 xuống 2 người.
Hãng Boeing nhận sở hữu số ghế của Soyuz từ RSC Energia, nhà thầu chính cho chương trình đưa người và trang bị vào không gian của Nga trong một thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái nhằm chấm dứt 3 năm kiện tụng về các khoản thanh toán liên quan đến hợp tác trước đây trong chương trình Sea Launch.
Tháng 1/2017, NASA đã tuyên bố họ có thể sẽ mua lại số ghế trên Soyuz từ tay Boeing. NASA và Boeing đã hoàn thành các cuộc thương lượng hồi tháng 2 và sau đó đã chỉnh sửa hợp đồng duy trì kế hoạch.
Sở dĩ NASA phải thông qua Boeing vì tập đoàn này là nhà thầu kỹ thuật chính của trạm ISS. Hôm 21/2, NASA đã chính thức xác nhận thông tin về thỏa thuận này trên website. Thương vụ này ước tính có giá trị 373,5 triệu USD nếu NASA có ý định định mua tất cả 5 chỗ ngồi trên tàu Soyuz.
Tên lửa Soyuz được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur thuộc Kazakhstan - Ảnh: AFP |
74,7 triệu USD/vé lên vũ trụ
Theo hợp đồng vận tải gần đây nhất của NASA, giá mỗi vé khứ hồi là 74,7 triệu USD, đây là mức giá đã được mặc cả với chính quyền Nga vào năm 2015 so với mức giá ban đầu là 81,7 triệu USD.
NASA đến nay vẫn chưa xác định danh sách các phi hành gia sẽ tham gia bay cùng tàu Soyuz. Các thành viên phi hành đoàn dự kiến sẽ phải dành tới 6 tháng trên ISS.
Một hoặc hai trong số năm ghế trên tàu Soyuz có thể dành cho các đối tác quốc tế khác của Mỹ như: Châu Âu, Nhật Bản hoặc Canada. NASA sẽ phải chịu trách nhiệm sắp xếp việc đưa đón các phi hành gia của các nước này.
Các phi hành đoàn trên trạm không gian thường được phân chia thành nhóm gồm 3 phi hành gia Nga và 3 phi hành gia Mỹ. 2 trong số các thành viên Mỹ là từ NASA, người còn lại sẽ là của nước đối tác.
Với việc mua thêm ghế trên tàu Soyuz, tổng số phi hành gia Mỹ sẽ tăng lên 4 người. NASA cho biết: “Mỗi phi hành gia Mỹ được bổ sung sẽ làm tăng gần 50% thời gian bay nghiên cứu. Thời gian bổ sung này sẽ cho phép thực hiện các thí nghiệm chưa từng được tiến hành.”
Chương trình nghiên cứu sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. NASA cho biết: “Việc lợi dụng cơ hội đưa thêm thành viên thứ 4 vào đội bay sẽ cho phép NASA tiến hành các thí nghiệm mới về công nghệ, thương mại và con người trên ISS.
Việc bổ sung thêm phi hành gia góp phần củng cố thị trường thương mại không gian, có lợi cho cả Nga và Mỹ. Trong khi Nga có thêm tiền thì NASA tranh thủ tiến hành các thí nghiệm phục vụ sứ mệnh khám phá không gian sâu hơn, bao gồm cả sao Hỏa trong tương lai”.
Sau khi phóng xong hai chuyến tàu này, nếu Mỹ không có thêm nhu cầu, Roscosmo dự định sẽ quay trở lại mức thông thường là 3 phi hành gia trên mỗi chuyến bay lên ISS.
Mỹ muốn giảm lệ thuộc Nga
Hiện, Mỹ đang phát triển và thử nghiệm các mẫu tàu không gian do hãng Boeing và SpaceX phát triển. Nếu các dự án này thành công, tàu không gian của Mỹ mỗi lần phóng sẽ có khả năng mang cả bốn phi hành gia lên vũ trụ cùng lúc.
Bên cạnh đó, nếu đạt được mục tiêu này, Mỹ cũng không còn quá lệ thuộc vào phương tiện vận tải vũ trụ của người Nga.
Tuy nhiên, trước khi những triển vọng mà người Mỹ hướng tới trở thành hiện thực, NASA vẫn phải hợp tác với Roscosmo. Hiện tại, Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận là trên mỗi tàu không gian Soyuz sẽ có tỷ lệ cân đối một người Nga và một người Mỹ.
Boeing và SpaceX cho biết, tàu vũ trụ CST-100 Starliner và Crew Dragon của họ sẽ sẵn sàng đưa phi hành gia lên trạm không gian vào năm 2018, nhưng cơ quan giám sát của Chính phủ đã đặt ra dấu hỏi về lịch trình của các tàu này vào tháng 2 vừa qua, họ chưa thể chắc chắn vào triển vọng nói trên.
“Cả hai công ty đều trì hoãn và có thể không đáp ứng thời hạn ban đầu dự kiến vào năm 2017. Nếu tiếp tục trì hoãn, việc xác nhận có thể sẽ bị đẩy lùi đến năm 2019, vào thời điểm đó thì hợp đồng của Mỹ với Nga về việc đưa phi hành gia lên trạm không gian quốc tế cũng hết hiệu lực.”
Với số ghế mới trên tàu Soyuz vào năm 2019, NASA có thể quyết định mua nhiều chuyến bay cho phi hành gia hơn nếu họ lo lắng về khả năng thực hiện đúng lịch trình của Boeing và SpaceX. NASA cho biết, họ phải đưa ra kết luận về việc mua các ghế ngồi trên tàu Soyuz năm 2019 vào mùa thu năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận