Khi quyền lực bị tha hóa, tự nhiên chức quyền sẽ đẻ ra tiền. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, khi có nhiều người cùng mong muốn và sẵn sàng bỏ tiền để vào một chức vụ nào đó bằng tiền, bằng quan hệ, tình cảm thì nó trở thành một cuộc “cạnh tranh”, “chạy đua” trong bóng tối, ai mạnh hơn thì người ấy thắng.
Nói theo hình ảnh của kinh tế học, đó là một cuộc “đấu thầu”. Đây là cách thức mô tả về nạn chạy chức, chạy quyền ở một mức độ dù không công khai nhưng cũng không còn giấu giếm nữa. Ở đây, người ta coi việc chạy chức, chạy quyền, đấu thầu ghế, chức quyền như 1 kênh “đầu tư” thu về lợi nhuận khủng khiếp.
Khi quyền lực bị tha hóa, tự nhiên chức quyền sẽ đẻ ra tiền. Thậm chí, khi ngồi vào cái ghế ấy, họ chẳng cần làm gì, tự nhiên tiền cứ đến.
Để chống nạn chạy chức, chạy quyền, trước hết về công tác cán bộ phải thực sự công khai, minh bạch. Phải lấy bầu cử, thi cử là một trong những giải pháp căn bản trong bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu cán bộ ứng cử. Lựa chọn nhân sự phải rộng rãi và không nên khép kín trong Đảng để chọn được người tài đảm nhận các chức vụ.
Cần có giải pháp đột phá, dựa vào dân để chống chạy chức, chạy quyền bởi chức quyền là của dân, Nhà nước là Nhà nước của nhân dân.
Chúng ta có các cơ quan dân cử nên phải làm thế nào để những quyết định nhân sự của các cơ quan Quốc hội, HĐND phải là những quyết định quyền lực thật sự. Theo đó, Đảng đổi mới công tác cán bộ, vừa thực hiện được quyền lãnh đạo của Đảng nhưng vẫn phát huy được quyền lực của cơ quan dân cử trong quyền thực hiện công tác cán bộ.
Tôi cho rằng, nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực nhưng trong hệ thống pháp luật, để xử lý loại tham nhũng đặc biệt này gần như đang là khoảng trống. Theo tôi, phải bỏ tù những người chạy chức chạy quyền, đưa họ ra toà, tịch biên tài sản bất chính có được từ chạy chức, chạy quyền. Phải có thiết chế để các cơ quan công quyền chủ động chống chạy chức, chạy quyền, bất kể đó là ai. Như vậy, mới làm người ta sợ, không dám chạy chức, chạy quyền.
Lê Nam - nguyên Đại biểu QH
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận