Văn hóa - Giải Trí

Netflix thu hàng trăm tỷ đồng tại Việt Nam nhưng không nộp thuế

11/08/2020, 07:35

Các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Iflix… vẫn chưa chịu sự quản lý của pháp luật hiện hành tại Việt Nam.

img
Bộ phim “Madam Secretary” gây tranh cãi khi chú thích hình ảnh ở Hội An (Việt Nam) là Phù Lăng (Trung Quốc)

Sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, các dịch vụ truyền hình OTT (giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng internet) xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Iflix… vẫn chưa chịu sự quản lý của pháp luật hiện hành tại Việt Nam.

Netflix liên tục bị cảnh báo

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới đây có công văn yêu cầu Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.

Theo đó, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu Netflix gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt.

Cục cũng nhấn mạnh, nếu có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, Netflix cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Cục PTTH&TTĐT chỉ ra trong phim tài liệu “Vietnam War” có nội dung xuyên tạc lịch sử; trong phim điện ảnh “Madam Secretary” có nội dung xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam; trong “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”… có nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm.

Theo Cục PTTH&TTĐT, các nội dung này đã không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngoài ra, việc chuyển ngữ tiếng Việt trong các nội dung này sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em.

Theo ghi nhận, bộ phim “Vietnam War” và “Madam Secretary” không còn tìm thấy nhưng các bộ phim có chứa hình ảnh bạo lực, khiêm dâm được Cục PTTH&TTĐT nhắc tới như “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”... vẫn còn trên hệ thống của Netflix.

Mới đây, trả lời Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho hay, đại diện Công ty Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Singapore đã nhận được văn bản nêu trên của Cục PTTH&TTĐT. Hiện, Cục PTTH&TTĐT đang chờ động thái chính thức từ phía Netflix.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Netflix bị cơ quan quản lý tại Việt Nam cảnh báo khi cung cấp nội dung trên dịch vụ không được thực hiện biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Năm 2019, Cục PTTH&TTĐT đã trực tiếp gửi bằng chứng vi phạm này đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam.

Netflix kinh doanh tại Việt Nam nhưng không nộp thuế

Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix hiện đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia. Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam và hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm tại thị trường 100 triệu dân này.

Nhưng đáng nói là, hầu hết các khách hàng của Netflix tại Việt Nam đều trả qua thẻ tín dụng trực tiếp cho Netflix, chính vì thế, Nhà nước Việt Nam cũng thất thu thuế từ nguồn này.

Có thể coi Netflix vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khi không có giấy phép cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam vì là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam. Các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới như: WeTV, Iflix, Amazon TV… cũng đang hoạt động tương tự như Netflix.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, câu chuyện làm thế nào để thu được thuế của các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới là một bài toán rất khó đối với nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.

“Để có thể quản lý được vấn đề thuế của các doanh nghiệp này cần phải có sự phối hợp rất tốt giữa các bên thương mại điện tử với ngân hàng thương mại, các cơ quan thuế, thông tin truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng, viễn thông để từ đó làm nền tảng truy xuất các giao dịch đã được thực hiện trên nền tảng đó”, luật sư Quốc Hòe nói.

Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết, thời điểm mới xuất hiện, dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới chỉ chiếm khoảng 10% thì đến nay đã lấn át dịch vụ truyền hình truyền thống trong nước và chiếm khoảng 40%.

“Dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới có lợi thế không phải nộp thuế, không bị kiểm duyệt nội dung. Chính điều này đã khiến cuộc cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam trở nên bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó khăn, khi doanh thu và lợi nhuận giảm”, ông Lê Đình Cường bày tỏ.

Tuy nhiên, luật sư Trương Quốc Hòe thừa nhận, dù Netflix đang có sự vi phạm rất rõ ràng nhưng hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về các chế tài xử phạt đối với các sai phạm của các loại hình doanh nghiệp này nên việc xử phạt được Netflix đang là một điểm còn vướng mắc.

Cụ thể, trong Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát hành dịch vụ phát thanh, truyền hình và Nghị định 7/2013, Nghị định 27/2018 chưa có điều, khoản quy định đối với hoạt động của dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới.

Theo lãnh đạo của Cục PTTH&TTĐT, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, Bộ TT-TT đã sửa đổi theo hướng tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng điều kiện pháp lý.

Điều này có nghĩa, những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ truyền hình như doanh nghiệp Việt Nam về giấy phép, biên dịch - biên tập, các nghĩa vụ về thuế…

Trong văn bản gửi Thủ tướng chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư ngày 15/7/2020, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016 tại khoản 4, Điều 5 tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.

“Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông; mọi hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 06/2016 và Nghị định này; các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo quy định này tại nghị định này và quy định của pháp luật liên quan”, văn bản nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.