Cảnh báo do Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đưa ra ngày 18/3.
Tuần trước, Anh đã theo sau Mỹ thông báo sẽ tiến tới cắt giảm toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga tính đến cuối năm nay nhưng chưa rõ lập trường của London về việc nhập khẩu khí đốt.
Còn Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ công bố một kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt Nga khoảng 2/3 trong 1 năm.
Tuy nhiên, tuần trước, hơn 100 thành viên Nghị viện EU đã ký đơn kêu gọi EU cấm ngay lập tức, bất chấp rất nhiều quốc gia trong liên minh đang phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. Ảnh - Simon Walker/HM Treasury
Phát biểu tại một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết một lệnh cấm ngay lập tức của liên minh EU sẽ đẩy các nền kinh tế trên khắp khu vực châu Âu, kể cả Anh, rơi vào suy thoái.
Hiện Nga đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt và 25% dầu thô của EU, trong khi Anh và Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Nga. Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu của Anh.
Ông ước tính nền kinh tế Anh sẽ thiệt hại ngay lập tức từ 70-75 tỷ bảng, tương đương khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Anh đang phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và giá thực phẩm, xăng dầu tăng cao. Chỉ riêng giá năng lượng tăng đã khiến các hộ gia đình ở Anh phải chịu thêm gánh nặng lên tới tổng cộng 38 tỷ bảng vào cuối năm nay.
Bộ Tài chính Anh đã chi hàng tỷ bảng để hỗ trợ các gia đình ở nước này trong vấn đề năng lượng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với chi phí sinh hoạt tại nước này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, họ sẽ đưa ra áp lực bền vững với Moscow để tránh người tiêu dùng tại Đức bị ảnh hưởng. Tổ chức cố vấn EconPol Europe dự báo, Đức sẽ bị giảm 3% trong GDP nếu ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga ngay lập tức.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Berenberg (Đức), Kallum Pickering, cho biết, nếu nguồn cung dầu cho thị trường thế giới của Nga (chiếm 11% tổng nguồn cung toàn cầu) bị cắt giảm một cách đáng kể, sẽ dẫn tới hệ quả là cú sốc nguồn cung toàn cầu.
Từ đó, các nền kinh tế đã phát triển như Anh sẽ bị ảnh hưởng sâu rộng trong ngắn hạn và kéo chậm tốc độ phục hồi.
Còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ước tính việc giảm 10% lượng khí đốt cung cấp cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ kéo theo mức sụt giảm 0,7% GDP của khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận